Lực lượng quân đội Ukraine bắt đầu rút vũ khí hạng nặng

ANTĐ - Ngày 26-2, lực lượng quân đội Ukraine đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng từ tiền tuyến ở phía đông đất nước trong một phần của thỏa thuận ngừng bắn thứ hai được ký kết ở Minsk, Belarus.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, việc rút các pháo 100mm sẽ là “bước đầu tiên” trong quá trình thực hiện các cam kết rút vũ khí hạng nặng, thúc đẩy lệnh ngừng bắn, do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giám sát.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng cảnh báo nếu có bất kỳ một nỗ lực tấn công nào từ phía quân ly khai thì thời gian về việc rút quân sẽ bị thay đổi.  

Quyết định bắt đầu di chuyển pháo binh từ tiền tuyến được đưa ra ngay sau khi quân đội Ukraine nói rằng, lực lượng của họ không có bất cứ trường hợp tử vong nào trong 48 giờ qua, mặc dù có vài binh sĩ bị thương.

Việc rút các vũ khí hạng nặng từ hai bên xung đột là điều kiện hàng đầu cho lệnh ngừng bắn

Trước đó, phiến quân ly khai thân Nga cũng nói rằng, họ bắt đầu rút vũ khí hạng nặng dưới sự giám sát của Tổ chức OSCE. Trong một tuyên bố hôm 25-2, các giám sát viên cũng nói rằng họ quan sát thấy sự chuyển động của các xe tải và pháo trong một số khu vực do ly khai kiểm soát.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nghị viện của OSCE Ilkka Kanerva lại nói rằng, ông “vô cùng băn khoăn trước hành động từ chối cấp quyền tiếp cận an toàn các khu vực chiến đấu ở Ukraine cho các giám sát viên OCSE”.

Lệnh ngừng bắn thứ 2 chính thức có hiệu lực vào hôm 15-2, tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, lực lượng ly khai đã chiếm giữ thị trấn chính của thành phố Debaltseve.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận Minsk, cả hai lực lượng chính phủ và quân ly khai phải rút vũ khí hạng nặng, tạo ra một vùng đệm ít nhất 50km. Quá trình này sẽ được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE giám sát.

Chiến đấu hạng nặng đã tàn phá miền đông Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu ở Donetsk và Luhansk, vùng đất phía đông đất nước vào tháng 4-2014, một tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ. Liên Hợp Quốc ước tính gần 5.800 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Chính phủ Ukraine và phương Tây nói rằng, họ có bằng chứng rõ ràng về việc Nga gửi binh sĩ và vũ khí giúp quân nổi dậy. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ điều này và cho rằng các chiến binh chiến đấu trong hàng ngũ quân nổi dậy là những “lính tình nguyện”.