Lực lượng nòng cốt chữa cháy tại cơ sở luôn trau dồi kỹ năng cứu người

ANTD.VN - Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Ba Đình, quận Đống Đa cho biết: “Đội ngũ Bí thư chi bộ cơ sở và bảo vệ dân phố không chỉ hùng hậu, hiệu quả trong nhiệm vụ lan tỏa, tuyên truyền đến người dân về PCCC mà còn là những người người lính cứu hỏa thực thụ tại cơ sở khi sự cố cháy xảy ra”.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ PCCC tại cơ sở, hàng chục Bí thư chi bộ cơ sở, tổ trưởng, tổ phó dân phố và lực lượng dân phòng đã hào hứng tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng, biện pháp chữa cháy, cứu người hiệu quả an toàn do Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tổ chức vào ngày 15-6.

Tại đây, Đại tá Nguyễn Trường Sơn đã đưa ra các câu chuyện, tình huống thường xảy ra trong gia đình để cùng các học viên tháo gỡ, giải đáp. Cùng với đó là những nội dung thực hành thiết thực như cách thoát nạn, thoát hiểm khi gặp sự cố cháy nổ.

Thường xuyên tập huấn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản xảy ra khi cháy, nổ

Cụ thể, đối với nhà cao tầng khi xảy ra sự cố cháy ở tầng hầm, người dân ở tại các tầng cao, lửa không thể cháy đến được thì người dân không nên chạy ra ngoài thang máy, không hoảng loạn mà phải bình tĩnh xử lý như đóng cửa phòng lại và bịt kín khe cửa tránh khói xộc vào trong bằng các vật dụng như băng dinh, khăn giẻ ướt…

Ngay sau khi thực hiện xong các động tác, bình tĩnh gọi cho lực lượng cứu hỏa theo số 114 báo cụ thể số tầng, số phòng, số người đang ở trong đó để lực lượng cứu nạn biết đưa phương tiện, thiết bị, mặt nạ đến cứu về nơi an toàn.

Để không bị cháy lan, cháy lớn, mỗi gia đình cần trang bị các thiết bị như đầu báo khói, báo cháy và bình cứu hỏa (loại dụng cụ này chỉ từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng) khi xảy cháy phát hiện sớm, xử lý ngay.

Đối với các bà nội trợ, bếp núc cần chú ý đến bếp khi đun nấu, tắt điện, khóa gas khi không sử dụng. Đối với các gia đình có ban thờ ở nơi thấp, gần nơi dễ cháy phải đặc biệt chú ý khi thắp hương, nến. Không thắp hương, nến sau đó đi ra khỏi nhà.

Ban thờ cần thường xuyên tỉa bỏ chân hương, không xếp quá nhiều đồ vàng mã, bánh kẹo, thuốc lá… lên ban thờ, vì khi thắp hương chính những đồ này là tác nhân cháy lớn khi không may tàn hương rơi xuống.

Phòng Cảnh sát PCCC số 2 hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay

Việc cần thiết là mỗi gia đình cần trang bị bình chữa cháy xách tay để khi phát hiện lửa nhen nhóm dập tắt ngay. Nhiều trường hợp từng xảy ra, do không có bình chữa cháy khi đun bếp bị xảy cháy đã không có gì dập và hoảng loạn chạy đi gọi hàng xóng dập hộ thì quay về lửa đã bùng phát lớn.

Tại buổi tập huấn, ngoài việc trang bị kiến thức về an toàn PCCC, các học viên còn đạng thực hành sử dụng bình cứu hỏa, cách bảo quản và phân biệt bình còn sử dụng được hay không sử dụng được.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Các bác, cô, Bí thư chi bộ cơ sở, tổ trưởng dân phố mới là lực lượng nòng cốt phát huy phong trào toàn dân tham gia PCCC. Người đứng đầu cơ sở có mạnh phong trào thì khu dân cư mới mạnh. Chính vì thế, lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho đội ngũ này vừa để các bác nhuyễn hơn và trở thành lực lượng tuyên truyền hiệu quả”.