Lực cản phục hồi kinh tế

ANTĐ - Từ động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự giảm sút của thương mại thế giới đang là một lực cản không nhỏ đối với tốc độ phục hồi vốn còn khá mong manh của kinh tế toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn 7% trong quý  I-2014

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 27-5 cảnh báo xuất khẩu từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới giảm mạnh trong quý đầu tiên năm 2014 đã làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Theo OECD, kim ngạch xuất khẩu của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) giảm tới 2,6% trong quý I-2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,1%. Trong cả 2 nhóm G7 và BRICS, chỉ có Đức và Italia có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.

Với tổng kim ngạch thương mại trên 3.900 tỷ USD năm 2013, sự tăng hay giảm của trao đổi mậu dịch của kinh tế Mỹ ảnh hưởng rất lớn tới thương mại toàn cầu. Trong khi đó, do thời tiết khắc nghiệt trong mùa Đông vừa qua ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng ở Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế đầu tàu thế giới này đã giảm 1,3% trong quý I-2014, mặc dù kim ngạch nhập khẩu tăng 0,8%. 

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đứng đầu về thương mại với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 4.160 tỷ USD năm 2013 - đã giảm xuất khẩu tới 7,3% trong quý I năm nay (Trung Quốc xuất khẩu 2.210 tỷ USD năm 2013). Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất trong khối BRICS có kim ngạch xuất khẩu giảm sút khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Nga cũng giảm gần 3%, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ giảm 3% và kim ngạch nhập khẩu giảm 0,9%; kim ngạch xuất-nhập khẩu Nam Phi cũng giảm lần lượt là 4,3% và 1,5%.

Số liệu cập nhật mới nhất về kim ngạch buôn bán thế giới đã khiến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2014 này có thể chỉ tăng 4,5% so với dự báo 4,7% vừa đưa ra tháng trước với nhận định rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại trên thế giới. Tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này cho rằng thương mại toàn cầu chững lại sẽ làm giảm tốc độ phục hồi vốn còn mong manh của kinh tế thế giới.

Trao đổi buôn bán trên thế giới từ lâu đã là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như mỗi quốc gia, điển hình là Trung Quốc, nước có tốc độ gia tăng thương mại nhanh nhất và cũng là nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Thống kê giai đoạn 1980-2011 cho thấy trao đổi hàng hoá và dịch vụ tăng trung bình gần 7%/năm (dù tốc độ tăng có chậm lại nhiều từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ năm 2008) trong khi nền kinh tế toàn cầu tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,4% cùng giai đoạn.

Để thương mại tiếp tục là động lực thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế thế giới, WTO cho rằng cần sớm khai thông Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu nhằm giúp GDP toàn cầu tăng thêm 1.000 tỷ USD. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh đàm phán để sớm hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)…