Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ 1-7-2016

ANTĐ - Ngày 25-11-2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Đây là đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời mở các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Luật Trưng cầu ý dân là một đạo luật rất quan trọng, lần đầu tiên có trong lịch sử lập pháp của nước ta. Kể từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội nước ta mới cụ thể hóa được quy định này trong Hiến pháp, để thể hiện quyền người dân, quyền nhân dân trong những vấn đề quan trọng của đất nước. 

Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 Điều, quy định rõ về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trung cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. 

Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của luật này. Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân tuy cùng là hình thức để nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp tham gia, thể hiện ý kiến với Nhà nước nhưng giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý.