“Luật treo” đến bao giờ

ANTĐ - Mặc dù các phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội không sôi động, gay gắt như các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, song đây là một hoạt động không kém phần “nóng”, thu hút sự quan tâm của cử tri và công luận. Không chờ tới kỳ họp định kỳ hàng năm của Quốc hội, rất nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế  - xã hội, về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, đã được đặt trên bàn Thường vụ Quốc hội. Hiệu quả của các phiên chất vấn giữa hai kỳ họp thực sự mang lại hiệu quả và tác dụng lan tỏa trong đời sống xã hội. 

Trong phiên chất vấn vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ba câu hỏi khó với Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vì thiếu nghị định, thông tư, luật đã trở thành “luật treo”. Tình trạng “ngồi trên trời làm luật” và những quy phạm “ban hành cho vui” vì không thể thực hiện trong cuộc sống. Vì sao tồn tại những vấn đề này? Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời trước cử tri rằng, trong tổng số 760 nội dung cần quy định chi tiết trong các luật, pháp lệnh được thông qua từ tháng 1-2009 đến 30-6-2012, đã có 611 nội dung được quy định chi tiết, nhưng những nội dung này lại tồn đọng 225 nội dung chi tiết chưa được quy định… chi tiết. Tỷ lệ này được Bộ trưởng gọi là “nợ đọng” chiếm tới 28,5%.

Ghi nhận tỷ lệ “nợ đọng” này thấp nhất trong 10 năm gần đây, song con số trên cho thấy còn tới 1/3 số quy định chưa thể đi vào thực tế vì thiếu hướng dẫn. Bản thân ông Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng, nghị định, thông tư hướng dẫn luật mà ban hành không kịp thời, thì vừa chậm đưa luật vào cuộc sống, vừa tạo ra khoảng trống pháp lý, gây lúng túng cho cơ quan quản lý và cả người dân. Bằng chứng nóng hổi nhất là, Nghị định 67 quy định, từ ngày 15-8, muốn kinh doanh, bán lẻ thuốc lá, phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ thuốc lá. Có nghĩa là các quán trà đá, quán cóc vỉa hè… sẽ không được bán thuốc lá.

Sau khi nghị định có hiệu lực tình hình vẫn đâu nguyên đó. Chắc chắn cơ quan chức năng không thể nắm được bao nhiêu quán nước ven đường, mẹt bán thuốc lá lưu động bến tàu, xe và cũng không đủ người để kiểm soát hết được. Người dân gọi là những quy định “vui là chính”, Không phải vì văn bản quy phạm sai hay không đúng luật mà vì thiếu tính khả thi. Tương tự quy định “cấm hút thuốc lá nơi công cộng”, cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe hoặc ở khu vực cây xăng, dán tem rượu “quốc lủi”… ngay sau khi có hiệu lực đã trở nên vô hiệu. Còn có thể liệt kê hàng loạt những văn bản kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “ngồi trên trời làm luật” như thịt tươi chỉ được bán không quá 8h, “chó mèo chính chủ”, viếng đám tang không quá 7 vòng hoa…

Tình trạng “luật treo”, nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẳng thắn nhận định là vì ban hành thiếu cân nhắc, thận trọng, thiếu thực tế. Gói gọn lại trong hai chữ “quan liêu” từ người soạn thảo cho tới cơ quan thẩm định.