"Luật sư tố giác thân chủ khác nào cha đạo tố giác con chiên vừa xưng tội!"

ANTD.VN - Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Chiến (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) tâm tư về điều luật quy định luật sư bào chữa phải tố giác tội phạm.

Đề cập tới Khoản 3, Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định: "Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Chiến đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi bộ luật này.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Thứ nhất, luật sư bào chữa theo chế định đặc thù có kiểm soát và nghề luật sư quy định bào chữa viên không chịu sự điều chỉnh của nghề Luật sư và quy tắc đạo đức luật sư Việt Nam. Không thể đánh đồng luật sư với chủ thể là bố mẹ, anh chị em người phạm tội như dự thảo.

ĐB Nguyễn Chiến tâm tư về Điều 19 của dự thảo luật

Thứ hai, đưa chủ thể luật sư vào xử lý hình sự không có sự khảo sát, đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội, cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự. Hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm mà phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự hay không và trong quá trình thực thi Bộ luật Hình sự luật sư thì luật sư có vi phạm bị xử lý như thế nào.

Thứ ba, quy định này đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với Luật sư ở điều luật tố tụng hình sự, vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư là cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ.

Thứ tư, quy định này là vi hiến và xung đột Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể điều 73 Bộ luật quy định: Người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa. Nhưng điều 19 Bộ luật Hình sự dự thảo luật sửa đổi lại quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm - người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa.

"Quy định này của dự thảo luật, hoặc là đẩy luật sư vi phạm Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự, hoặc là Điều 19 Bộ Luật hình sự (dự thảo luật sửa đổi) chỉ là quy định trên giấy vì luật sư khi tham gia bào chữa bắt buộc phải thực hiện Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua", ĐB Nguyễn Chiến nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, do Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự có nội dung và hình thức song hành, không tách rời nhau, vì vậy việc sửa lần này kéo theo việc sửa nhiều luật khác sẽ tiêu tốn ngân sách, tiền thuế của dân và làm giảm uy tín của Quốc hội.

Luật sư tham gia bào chữa cho thân chủ tại một phiên tòa

Cũng theo ĐB Nguyễn Chiến, Điều 19 dự thảo luật còn làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

"Luật sư tố giác thân thủ khác nào cha đạo tố giác con chiên vừa xưng tội!? Chỉ một vụ tố giác thân chủ thôi thì liệu xã hội còn tin để nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nữa hay không", ĐB Nguyễn Chiến tâm tư, đồng thời đề nghị: "Trên thế giới, có bao nhiêu nước coi hành vi không tố giác thân chủ là tội phạm hình sự hay họ chỉ bằng quy phạm đạo đức để điều chỉnh? Cái này chúng ta đã có, đề nghị ban soạn thảo có con số thống kê kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội tham khảo, thông báo với giới luật sư và cử tri cả nước biết".

Kết lại phần thảo luận của mình, ĐB Nguyễn Chiến cho rằng với Điều 19, Luật sư tranh tụng sẽ đứng giữa dòng: Nếu không thực hiện thì có thể bị phạm tội hình sự, nếu thực hiện tố giác thân chủ thì có thể bị thân chủ tố ngược lại tội vu khống.

"Quy định này đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định pháp luật, bỗng dưng trở thành người bị tình nghi phạm tội, “nhảy” sang vị trí cùng với thân chủ khi bị xác minh, xem xét trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm", Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nói.

Dự thảo Bộ Luật Hình sự - Điều 19: Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong các trường hợp quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này".