Luật sư phân tích chế tài liên quan đến hành vi của tổ chức "Hội thánh Đức chúa Trời Mẹ"

ANTD.VN - Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội trao đổi với PV ANTĐ về chế tài xung quanh hành vi của những người tự xưng thuộc tổ chức “Hội thánh Đức chúa Trời Mẹ”.

Về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Như vậy, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Luật sư Lê Hồng Vân, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có đăng tải thông tin về tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” xuất hiện và hoạt động tại nhiều địa phương dù chưa được cơ quan quản lý cấp phép. Trong khi đó, theo quy định, một tín ngưỡng muốn hoạt động phải được đăng ký đến UBND cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng.

Một tôn giáo muốn hoạt động phải được đăng ký, được cấp chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ sinh hoạt. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Do vậy, nếu hoạt động tín ngưỡng tôn giáo mà không có đăng ký và chưa được cấp giấy chứng nhận là bất hợp pháp. 

Mặt khác, pháp luật cũng nghiêm cấm các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo mà: Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để: Xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh đó, ở góc độ thuần phong mỹ tục, một số thành viên tự xưng là thành viên của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” có biểu hiện đi ngược lại đạo lý của người Việt Nam như dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên, bỏ thờ cúng ông bà, xem cha mẹ như người thừa, khiến nhiều gia đình ly tán.

Trong khi từ trước đến nay, dân tộc Việt Nam luôn tôn trọng chữ hiếu, đây là quyền lợi đồng thời là nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, đã được pháp luật quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Do đó, việc con cái coi bố mẹ chỉ là thân xác già nua, bỏ bê không chăm sóc, dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên…. không chỉ trái với luân thường đạo lý mà còn vi phạm pháp luật.

“Việc truyền bá những tư tưởng trái với thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan, ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo, có dấu hiệu trục lợi là vi phạm pháp luật. Cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự” – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Về xử phạt hành chính, khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm trật tự công cộng nêu rõ, cá nhân nào lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân.

Trường hợp tổ chức này hoạt động vì mục đích trục lợi, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 331 BLHS 2015.

Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Luật sư Lê Hồng Vân còn cho biết thêm, pháp luật cũng quy định, mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu có đủ căn cứ chứng minh một số đối tượng tự xưng là hội viên của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” có hành vi lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào hội, trái với ý muốn của họ thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hình sự theo Điều 164 BLHS 2015 về tội “xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.