Luật sư nói về dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh của Khaisilk

ANTD.VN - Xung quanh vụ việc Khaisilk bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác made in Việt Nam, ngày 26-10, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Luật sư nói về dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh của Khaisilk ảnh 1

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng Khaisilk đã có hành vi vi phạm pháp luật

Thưa ông, vụ việc Khaisilk bán sản phẩm gắn 2 mác made in Việt Nam và made in China liệu có phải hành vi vi phạm?

- Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Theo lời ông chủ Khaisilk trả lời trên báo chí, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Khaisilk đã lấy lụa Trung Quốc về Việt Nam bán với thương hiệu Khaisilk, xuất xứ Việt Nam. Điều này cho thấy có những vi phạm nhất định. Vi phạm đầu tiên sở hữu trí tuệ.

Khi đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nào đó, anh phải nói rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó. Nếu họ khai xuất xứ từ làng nghề của Việt Nam thì sai hoàn toàn. Thứ hai là nếu trong suốt thời gian vừa qua, lượng người tiêu dùng mua hàng của Khaisilk với thông tin là sản phẩm lụa tơ tằm sản xuất tại Việt Nam thì việc lừa dối này đang vi phạm Điều 10, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Hơn nữa, Khaisilk cũng không cung cấp đầy đủ thông tin khi có người tiêu dùng phát hiện ra, đã cố tình che giấu thông tin sản phẩm, vi phạm điều 8 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Và cuối cùng, suốt thời gian dài với số lượng hàng hóa lớn đã bán ra, hàng hóa trị giá trên 30 triệu đồng, nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

- Những người bị xâm hại quyền lợi có thể khởi kiện Khaisilk thưa ông?

- Khách hàng bị xâm hại quyền lợi có thể khởi kiện. Ngoài ra, những nhà cung cấp hàng cho Khaisilk suốt 30 năm vừa qua cũng có quyền khởi kiện Khaisilk vì tập đoàn này đã không cung cấp đầy đủ thông tin hàng hóa của họ đến người tiêu dùng. Những làng nghề trước đây Khaisilk lấy hàng cũng có quyền khởi kiện vì họ đã bị lấy danh tiếng, nhãn mác suốt mấy chục năm qua.

-Trong văn bản trả lời của đại diện cửa hàng Khaisilk với khách hàng, mục 4 có ghi 1 chiếc khăn bị lẫn là hàng nằm trong gói hàng cung cấp cho đối tác Hồng Kông. Đối tác Hồng Kông yêu cầu gắn 2 nhãn mác. Theo ông, cùng 1 sản phẩm có được gắn 2 nhãn mác không?

- Cùng 1 sản phẩm gắn 2 nguồn gốc xuất xứ là vi phạm pháp luật. Các nước đều quy định rõ, 1 sản phẩm chỉ được ghi 1 xuất xứ. 1 sản phẩm để 2 nguồn gốc như vậy là đang lừa dối khách hàng- những người đem lại doanh số cho Khaisilk.

- Với sự vụ với lô hàng 350 khăn xuất cho đối tác Hồng Kông với 2 nhãn mác như vậy, cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, thưa ông?

- Cơ quan hải quan phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát. Hàng xuất đi từ Việt Nam phải ghi xuất xứ made in Việt Nam, trong khi đó lại ghi Made in China thì rõ ràng đang có dấu hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng như nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

 

Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đóng cửa sau khi bị kiểm tra chiều 26-10

- Sự việc diễn ra suốt 30 năm qua có phải tình tiết tăng nặng, thưa ông?

Số lượng hàng hóa lớn, thời gian bán kéo dài, gây ảnh hưởng xã hội lớn, người Việt đều biết Khaisilk như niềm tự hào lụa Việt Nam. Đây là thách thức lớn với nhà quản lý và nhà kinh doanh bởi nhà quản lý không liêm chính và nhiệt huyết trong quản lý hàng hóa của doanh nghiệp sẽ dẫn đến lừa dối liên tục và lâu dài. Người kinh doanh quên giá trị bền vững, phản bội lại tuyên ngôn của chính họ thì người tiêu dùng hãy sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ chính mình.