Luật sư nói gì về vụ nghi lây nhiễm HIV hàng loạt ở Phú Thọ?

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin một số người dân xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) nghi lây nhiễm HIV do sử dụng chung kim tiêm khi đi khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế ở địa phương. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, điều rõ.

Trước hiện tượng một số người ở xã Kim Thượng bất ngờ phát hiện nhiễm HIV, vấn đề được quan tâm hiện nay là “đâu là nguồn lây nhiễm HIV? Nếu có căn cứ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự cẩu thả của nhân viên cơ sở khám bệnh thì trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với cá nhân này như thế nào”?

Về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, do hoạt động khám chữa bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người nên Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này, trong đó có Luật Khám chữa bệnh. BLHS 2015 cũng qui định rõ, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý hình sự.

Theo thông tin ban đầu chưa được kiểm chứng từ một số người dân, trước khi phát hiện bị nhiễm HIV họ đã từng đến nhà y sĩ T ở xã Kim Thượng khám bệnh và tiêm thuốc. Tuy vậy, việc tiêm thuốc này có phải là nguyên nhân khiến họ bị lây nhiễm HIV hay không thì cần phải xác minh, làm rõ, nghĩa là cần kiểm tra, xác định chính xác nguồn lây nhiễm HIV.

Để đảm bảo an toàn, các nhân viên y tế cần tuân thủ nghiêm quy trình khám, chữa bệnh (ảnh minh họa)

Trường hợp nếu thông tin trên là có thật, người khám chữa bệnh do vô ý, cẩu thả không thực hiện đúng quy trình khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng kim tiêm có dính máu của người nhiễm HIV tiêm cho người khác khiến nhiều người bị lây bệnh thì cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315, BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%...

Phạm tội  làm chết 2 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng-dưới 1,5 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Tội phạm trên có cấu thành vật chất nên cần phải có hậu quả xảy ra. Hậu quả tổn hại về sức khỏe của nạn nhân là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Do đó, các nạn nhân bị lây nhiễm HIV cần phải giám định tỉ lệ tổn hại sức khỏe để làm căn cứ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật. Nếu đối tượng gây lây nhiễm bệnh cho nhiều người với tỉ lệ tổn hại sức khỏe càng cao sẽ phải chịu hình phạt càng nặng (mức phạt tù tối đa là 15 năm).

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, nếu có căn cứ chứng minh y sĩ T khám chữa bệnh tại nhà không có giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng thì cá nhân này có thể bị xem xét xử lý hành chính. Bởi theo Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi có Giấy phép.

“Trong khám chữa bệnh, việc sử dụng 1 bơm kim tiêm chung cho nhiều bệnh nhân là không thể chấp nhận được. Nó vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, pha chế, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Vụ việc người dân nghi nhiễm HIV xảy ra tại xã Kim Thượng rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ, nếu thấy dấu hiệu tội phạm phải khẩn trương khởi tố vụ án để xác định nguồn lây bệnh, tránh gây hoang mang kéo dài trong nhân dân” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa bày tỏ quan điểm.