Luật sư nói gì về quy định "tập luyện, thi đấu thế thao khiêu dâm bị phạt tới 10 triệu đồng"??

ANTD.VN -Nghị định 46/2019/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 quy định hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao, các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy…sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Theo nhiều luật sư, quy định này thiếu tính khả thi.

Quy định có nhưng khó thực hiện

Bình luận về quy định trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định này thiếu tính khả thi bởi việc xác định thế nào là bài tập, môn thể thao khiêu dâm để xử phạt không hề đơn giản.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, quy định trên không phải là mới. Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH, TT&DL đã nêu rõ: “Khiêu dâm” được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, bao gồm mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả khỏa thân hoặc không khỏa thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức.

“Đồi trụy” được hiểu là hành vi dùng những hình ảnh lõa lồ, ngôn ngữ thô tục, quan hệ tình dục giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên.

Cần quy định rõ thế nào là hành vi tập luyện, thi đấu thể thao khiêu dâm (ảnh minh họa)

Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định các hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính gồm: Trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có tính chất khiêu dâm, đồi trụy vào phim đã được phép phổ biến; sản xuất phim có nội dung khiêu dâm; Biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm; tổ chức trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm; dạy khiêu vũ có nội dung khiêu dâm, đồi trụy…

Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, dạy khiêu vũ có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

Đặc biệt, Khoản 1 Điều 10 Luật Thể thao cũng nghiêm cấm hoạt động thể dục, thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.

Cần quy định cụ thể để tránh áp dụng tùy tiện

Về khái niệm “khiêu dâm”, Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, “khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục. Song việc xác định động tác, môn thể thao nào được gọi là khiêu dâm, kích động bạo lực thì chưa có văn bản pháp luật nào chỉ rõ - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết.

Để xử phạt được đối tượng vi phạm cần phải hiểu chính xác hành vi như thế nào là khiêu dâm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi khiêu dâm, đồi trụy trong hoạt động thể thao, thi đấu thể thao có thể hiểu là dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi mặc quần áo thoải mái khi tập luyện thể thao đều là khiêu dâm. Chỉ những trường hợp việc ăn mặc hở hang, không phù hợp với môn thể thao đi cùng với cử chỉ, ngôn ngữ, âm thanh mang tích chất kích dục, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục,…thì mới là hành vi khiêu dâm và bị xử phạt vi phạm hành chính.

“Có thể nói, quy định về hành vi cấm trong thể thao là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, để những quy định này đi vào cuộc sống phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Cơ quan có thẩm quyền cần  nhanh chóng quy định cụ thể danh mục bộ môn, hoạt động thể thao nào bị cấm, tránh tình trạng tùy tiện, mỗi nơi, mỗi đối tượng áp dụng một kiểu” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa đề xuất.