Luật sư đề xuất tăng nặng mức phạt đối với hành vi sử dụng biển số giả, đua xe trái phép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, mức phạt đối với một số hành vi như không đội mũ bảo hiểm, đua xe trái phép, dừng đỗ xe trên đường cao tốc... sẽ bị tăng nặng.

Nghị định 100/CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 với những quy định nghiêm khắc và chặt chẽ về hình thức, mức xử phạt đã góp phần bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông.

Tuy vậy, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, qua gần 2 năm triển khai thực hiện, một số quy định tại Nghị định 100/CP đã bộc lộ nhiều bất cập như: Chế tài xử phạt với hành vi “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật” song chưa quy định rõ về việc đỗ, để xe ở hè phố như thế nào là trái, là không đúng quy định.

Ngoài ra, Điều 80 của Nghị định này quy định thủ tục “phạt nguội”, song trên thực tế, việc xác định chủ phương tiện không đơn giản, bởi có nhiều xe mua bán sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau nhưng chưa sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số...

Để đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/CP là cần thiết và cấp bách, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là từ 1-1-2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi có hiệu lực - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, mức phạt tối đa trong lĩnh vực đường bộ từ 40 triệu đồng được đề xuất tăng lên 75 triệu đồng đối với cá nhân (hành vi chở quá số người quy định).

Ngoài ra, thẩm quyền của các chức danh được phép xử phạt gồm mức xử phạt tiền và thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm cũng có sự thay đổi.

Theo quy định hiện hành, Trưởng phòng CSGT có quyền phạt tiền đến 8 triệu đồng thì sắp tới sẽ được phạt tiền đến 15 triệu đồng, Giám đốc công an cấp tỉnh sẽ được phạt tiền đến 37,5 triệu đồng.

Hai chiếc xe cùng biển số vô tình cùng xuất hiện trên đường phố Hà Nội cách đây không lâu

Hai chiếc xe cùng biển số vô tình cùng xuất hiện trên đường phố Hà Nội cách đây không lâu

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thời gian qua, tình trạng sử dụng biển số giả diễn ra khá phổ biến. Song Dự thảo Nghị định chỉ đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi bán và sản xuất biển số xe giả, nhưng vẫn giữ nguyên mức phạt từ 4-6 triệu đồng với hành vi sử dụng biển giả.

Điều này là chưa hợp lý bởi, hành vi sử dụng biển số giả là hành vi có biểu hiện gian dối.

Không ít lái xe dùng biển số giả đi trên đường thường không tuân thủ quy định về ATGT, vì cho rằng cơ quan chức năng không thể truy tìm ra họ, thậm chí còn lợi dụng điều này để vi phạm pháp luật như chở hàng lậu, hàng cấm... Ngoài ra, việc dùng biển số giả có thể sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, thời gian và tiền bạc của chủ xe có biển số thật trong trường hợp xe giả vi phạm.

Do vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét tăng mức hình phạt đối với hành vi này - Luật sư Hồng Vân đề xuất.

Về mức xử phạt hành vi với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách với người đi môtô, xe máy, Dự thảo đề xuất nâng mức phạt lên 400.000 đồng -600.000 đồng.

Hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc mức phạt đề xuất lên 10-12 triệu đồng.

Hành vi gắn biển số không rõ chữ, số; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển, được đề xuất tăng mức phạt lên 4 - 6 triệu đồng (hiện nay là 800.000 đồng đến 1 triệu đồng).

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua môtô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép là 10 - 15 triệu đồng (nay là 7 - 8 triệu đồng, đua ô tô mức phạt là 20 - 25 triệu đồng (nay là 8 - 10 triệu đồng).

“Thời gian qua, tình trạng sử dụng ôtô, xe gắn máy để đua xe trái phép làm mất ANTT và ATGT, khiến nhiều người thương vong, gây bức xúc trong dư luận.

Do đó, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi này là cần thiết nhằm đảm bảo tính răn đe” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.