Chủ tọa phiên tòa và luật sư cãi nhau ở Đồng Tháp

Luật sư chưa đúng và những văn bản thu hồi giấy phép bào chữa cũng sai luật

ANTĐ - Luật sư Lôi Thị Dung (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long) là người bào chữa và bảo vệ cho hai bị cáo và một người bị hại trong một vụ cố ý gây thương tích tại TAND tỉnh Đồng Tháp theo trình tự phúc thẩm. Tháng 3-2013, luật sư Dung được tòa cấp hai giấy chứng nhận người bào chữa.

TAND tỉnh Đồng Tháp


Nội dung vụ án

Theo LS Dung, phiên xử phúc thẩm vụ án trên do thẩm phán Đinh Văn Phong làm chủ tọa đã diễn ra vào ngày 17-4-2013. Trong phần thủ tục, LS Dung đề nghị tòa xác định bổ sung tư cách cho một nhân chứng và một người liên quan nhưng chủ tọa không đồng ý. Sau những tranh cãi về thủ tục và trách nhiệm, giữa luật sư và HĐXX đã có những căng thẳng. Đặc biệt, khi LS Dung yêu cầu tòa cho hỏi người liên quan và nhân chứng đã đề nghị ở phần thủ tục nhưng chủ tọa không chịu. LS Dung yêu cầu tòa cho thư ký đọc lời khai của hai người này trong hồ sơ vụ án nhưng chủ tọa không cho. Sau đó, khi LS.Dung trình bày quan điểm bào chữa, thấy chủ tọa phiên tòa có biểu hiện không lắng nghe quan điểm bào chữa của mình, LS Dung liền đọc lại từ đầu nội dung bào chữa.  Ngay lập tức chủ tọa phiên tòa lớn tiếng mời luật sư ra khỏi phòng xử.

Theo LS Dung, đến khoảng 12h30 cùng ngày, khi bà cùng hai bị cáo và người bị hại đang ngồi tại quán nước gần tòa thì thẩm phán Phong đi ngang qua nói với vào: “Luật sư khùng”. Bức xúc, LS Dung phản ứng: “Ông bị bệnh tâm thần thì có”. Vị thẩm phán này chỉ mặt bà Dung tuyên bố: “Mày không yên thân với tao đâu”.

Đến đầu buổi chiều, thẩm phán Phong đã tuyên bố không chấp nhận bà Dung bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Sau đó, do không có luật sư nên phiên xử phúc thẩm này đã bị hoãn. Sau phiên xử, LS Dung khiếu nại về việc bị thẩm phán Phong đuổi ra khỏi phòng xử nhưng Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp trả lời rằng hành vi này của thẩm phán là không sai. Đến tháng 8-2013, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp đã gửi văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long xử lý kỷ luật đối với luật sư Dung vì “vi phạm nội quy phiên tòa và vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư”. Ba tháng sau, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp có văn bản trả lời là không đủ căn cứ để xử lý kỷ luật đối với LS Dung. Bất ngờ ngày 6-12-2013, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành hai quyết định thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa cấp cho LS Dung trong vụ án nói trên nhưng không nêu lý do thu hồi. Ngày 3-1-2014, LS Dung còn nhận được thông báo của TAND tỉnh Đồng Tháp về việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bà trong một vụ án khác. Lý do từ chối là LS Dung đã vi phạm trong hoạt động bào chữa và đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận bào chữa trong vụ án cố ý gây thương tích nói trên.

Mặc dù những thông tin này chỉ là những thông tin một phía, do phía LS Dung cung cấp, tuy nhiên vụ việc này đã đặt ra vấn đề quan hệ, quyền hạn của HĐXX và LS trong phiên tòa. Câu hỏi cần phải tranh luận là việc thẩm phán không chấp nhận vai trò bào chữa của LS trong phiên tòa và việc thu hồi cũng như không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS là đúng hay sai?

Ý kiến bạn đọc 

Chủ tọa phiên tòa có quyền mời luật sư ra khỏi phiên tòa

Theo điều Điều 198 Bộ Luật Tố tụng hình sự: Những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tùy trường hợp, có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ. Trong trường hợp này, khi LS cảm thấy chủ tọa không lắng nghe ý kiến của mình có quyền đề nghị chủ tọa chú ý đến những quan điểm của mình. Việc tự đọc lại từ đầu bản bào chữa cho thân chủ của mình có biểu hiện coi thường HĐXX và theo đánh giá của chủ tọa phiên tòa, đó là hành vi vi phạm trật tự phiên tòa. Tuy nhiên do BLTTHS chưa quy định chi tiết thế nào là vi phạm trật tự phiên tòa cho nên trong trường hợp này, chủ tọa có thể tạm ngừng phiên xử để HĐXX trao đổi ý kiến, trước khi quyết định không chấp nhận người bào chữa do vi phạm trật tự phiên tòa. Trong trường hợp này do đã có sự căng thẳng giữa LS và chủ tọa phiên tòa nên có thể dẫn tới hành vi xử lý như chủ tọa phiên tòa. Tôi cho rằng, trong trường hợp này, trước khi mời LS ra khỏi phòng xử án, chủ tọa cần có nhắc nhở luật sư, nếu không chấp hành hoặc có hành vi làm mất trật tự phiên tòa thì mới mời ra khỏi phòng xử. Và khi mời luật sư ra khỏi phiên tòa, sau phiên tòa, chủ tọa nên lập biên bản về hành vi vi phạm trật tự phiên tòa của LS.

Ông Phạm Văn Bách (Q3, TP Hồ Chí Minh)

Chủ tọa và luật sư cãi nhau là không thể chấp nhận

Tôi là người đi dự nhiều phiên tòa hình sự. Tôi nhận thấy nhiều LS khi bào chữa cho các thân chủ ít đầu tư nghiên cứu vụ án nên trong tranh luận cũng như xét hỏi tại tòa thường đặt ra những yêu cầu không hợp lý, không liên quan nhiều đến vụ án, gây khó khăn cho HĐXX. Đặc biệt nhiều LS còn có những tranh cãi, những nhận định có tính công kích cá nhân chủ tọa phiên tòa hoặc những người tham gia tố tụng. Chính những hành vi không thích hợp của nhiều LS đã làm giảm thiểu sự tôn trọng của những người tham gia tố tụng. Tất nhiên, nhiều chủ tọa cũng như những người tham gia tố tụng cũng có những hành vi cá nhân rất khó chấp nhận. Trong trường hợp này chưa thể khẳng định là lỗi của bên nào. Song việc chủ tọa phiên tòa và LS cãi nhau ngoài phiên tòa, đi đến mạt sát, hạ nhục nhau chứng tỏ các vị này hoàn toàn không xứng đáng tham gia tố tụng một phiên tòa mà kết quả của nó có thể liên quan đến số phận một hoặc nhiều con người. Theo tôi, các cơ quan chủ quản liên quan đến hoạt động tố tụng của những người này cần có những hành động để cả hai vị này có thời gian tu dưỡng đạo đức. 

Chị Nguyễn Phương Nga (Quận Đống Đa - TP Hà Nội)

TAND Đồng Tháp không có quyền thu hồi giấy phép bào chữa của LS Dung

Theo chúng tôi, mặc dù LS Dung có thể đã vi phạm trật tự phiên tòa và đã bị xử lý theo điều 198 BLTTHS, nhưng do chủ tọa phiên tòa không lập biên bản vi phạm, không ra quyết định xử lý vụ việc vi phạm trật tự phiên tòa, do vậy TAND tỉnh Đồng Tháp không có quyền thu hồi giấy phép bào chữa của LS Dung trong vụ án hình sự phúc thẩm. Quyết định thu hồi GPBC ngày 6-12-2013 của TAND Đồng Tháp rõ ràng không phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì vậy căn cứ vào việc thu hồi GPBC vụ án hình sự ngày 6-12-2013 để không cấp GPBC những vụ án sau cho LS Dung cũng là không đúng. LS Dung có đầy đủ điều kiện được quy định trong điều 27 Luật Luật sư vì vậy phải được cấp GPBC cho các vụ án.

Trần Việt Hà (P6 - TP Vĩnh Long)

Không được cản trở hoạt động của luật sư

Đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại vụ việc theo hướng TAND tỉnh Đồng Tháp không thể thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa của LS Dung vì không có cơ sở pháp lý. Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp phải rút lại hai quyết định thu hồi, khôi phục tư cách người bào chữa cho LS Dung. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư đề nghị chánh án TAND Tối cao giải quyết khiếu nại của LS sư Dung.

Căn cứ vào thông tin về diễn biến sự việc tại phiên tòa ngày 17-4-2013 thì thẩm phán Phong chưa thể hiện sự tôn trọng LS Dung. Việc dùng quyền hạn của mình đuổi luật sư ra khỏi phòng xử là có dấu hiệu cản trở quyền hành nghề của luật sư, không tạo điều kiện cho luật sư thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư theo Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong khi đó, Điều 27 Luật Luật sư đã quy định rõ: Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề, không được cản trở luật sư. Trong khi những hành vi ứng xử của LS Dung (nếu có vi phạm) thì cũng không thuộc trường hợp bị từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo Điều 27 Luật Luật sư. Hơn nữa, bản thân các đương sự trong vụ án vẫn thể hiện nguyện vọng mong muốn tiếp tục nhờ LS Dung bảo vệ.

Ông Lê Thúc Anh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

Bình luận của luật sư

Trong trường hợp này có mấy chi tiết cần lưu ý: 

Việc LS Dung tự động đọc lại từ đầu bản bào chữa cho thân chủ tại phiên tòa khi nhận định chủ tọa chưa lắng nghe ý kiến của mình là hành vi coi thường HĐXX. Và việc chủ tọa phiên tòa mời LS Dung ra khỏi phiên tòa là đúng thẩm quyền. Nhưng sau phiên tòa, chủ tọa phiên tòa không lập biên bản vi phạm trật tự phiên tòa và ra quyết định không chấp nhận người bào chữa tham gia phiên tòa là sai. Chính sai sót này đã dẫn đến những yêu cầu và quyết định xử lý cũng như thu hồi GPBC, không cấp GPBC cho LS Dung trở thành những văn bản không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật.

Việc chủ tọa phiên tòa và LS cãi nhau, mạt sát và hạ nhục nhau trước cửa trụ sở TAND tỉnh tuy là hành vi cá nhân nhưng thể hiện tư cách kém, không xứng đáng xét xử cũng như bảo vệ quyền lợi của những người bị xét xử tại tòa án. TAND tỉnh Đồng Tháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có những biện pháp cần thiết để đội ngũ thẩm phán và luật sư trong sạch và có văn hóa.

Trước mắt, cả Liên đoàn LSVN và TAND tỉnh Đồng Tháp, cũng như LS Dung và Thẩm phán Phong, cần ngồi lại với nhau để nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong vụ việc này. Sau đó TAND tỉnh Đồng Tháp cần sớm rút lại những quyết định chưa đúng quy định pháp luật với LS Dung.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội)