Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh

ANTD.VN - Ngày 26-1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và đồng phạm tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp diễn với phần bào chữa của các luật sư… 

Chuyển nhượng cổ phần trong hoàn cảnh nào?

Luật sư Ngô Thu Hằng là người mở đầu phần tranh luận sáng nay với bài bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC). Trước đó, VKS đã đề nghị HĐXX áp dụng mức án tù chung thân đối với bị cáo Thanh về tội “Tham ô tài sản”.

Đề nghị mức nêu trên, VKS cho rằng có đủ căn cứ kết luận Trịnh Xuân Thanh là người quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng 1-5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của Dự án Nam Đàn Plaza (52 triệu đồng/m2) với mục đích chiếm đoạt số tiền chênh lệch giá.

Và thực tế là Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệch 87 tỉ đồng. Nhận định về bị cáo Thanh, VKS xác định sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội mà chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa 

Vậy nhưng xét thấy, lời khai của bị cáo cũng đã góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung vụ án và làm sáng rõ hành vi của các đồng phạm khác. Số tiền 14 tỷ đồng chiếm đoạt, bị cáo đã trả lại khi Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan) yêu cầu nên đây là tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Ngô Thu Hằng cho biết trong nhóm luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch HĐT PVC sẽ chia nhau mỗi người bào chữa ở một khía cạnh, có một cách phân tích khác nhau và không trùng lắp.

Luật sư Hằng khẳng định, bị cáo Thanh không có quyền quyết định hay can thiệp vào việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Chứng minh luận điểm này, luật sư Hằng viện dẫn hàng loạt quy định về luật doanh nghiệp nhằm chứng tỏ vai trò của bị cáo Thanh đối với PVP Land.

Tiếp đến, luật sư Hằng cho rằng ngoài ra có thể căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại tòa là lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land) và lời khai của chính bị cáo Thanh. Theo vị luật sư này, lời khai của bị cáo Sinh thể hiện, thời điểm PVP Land chuyển nhượng cổ phần là hoàn cảnh bắt buộc, có sự thống nhất của các lãnh đạo PVP Land cũng như các cấp có thẩm quyền.

Từ một số lập luận phân tích đưa ra, luật sư Ngô Thu Hằng cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không biết gì về mức giá đất 52 triệu đồng/m2, ở thời điểm các bên chuyển nhượng cổ phần. Mặt khác, khoản tiền 14 tỷ đồng bị cáo Thanh bị cáo buộc tham ô, qua lời khai của tất cả các bị cáo cũng như hồ sơ đã chứng tỏ bị cáo không bàn bạc, chỉ đạo, chia tiền. “Không đủ căn cứ kết tội Tham ô tài sản với bị cáo Trịnh Xuân Thanh” – một trong sáu luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch PVC nói.

Hành vi tích cực giúp sức...chiếm đoạt tài sản

Nối tiếp phần bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng đề nghị cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho thân chủ. Bởi khi chưa có đủ chứng cứ kết tội thì phải tuyên bị cáo Thanh không phạm tội. Thứ hai là phải áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo này khi các lời khai mâu thuẫn và chứng cứ không đủ vững chắc.

Theo luật sư Hùng hợp đồng chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã bị tòa án tuyên vô hiệu và số tiền hơn 100 tỷ đồng đã được trả lại, do đó không có thiệt hại. Luật sư Hùng cũng cho rằng số tiền 49 tỷ đồng cáo buộc các bị cáo tham ô không phải tiền Nhà nước mà là tiền của Công ty CP Minh Ngân. Mặt khác việc điều khiển dòng tiền này thuộc về bị cáo Thái Kiều Hương.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh mạnh Thắng

Cuối phần bào chữa của mình, luật sư Hùng cho rằng: “Ông Trịnh Xuân Thanh không nhận 14 tỷ đồng và bị cáo cũng không thể nhận tiền này được”. Từ đó, vị luật sư này đề nghị HĐXX tuyên thân chủ mình vô tội. “Nếu HĐXX còn lăn tăn thì tiến hành thực nghiệm điều tra để tránh hoang mang cho bị cáo” - luật sư của Trịnh Xuân Thanh kiến nghị.

Tiếp đó, luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục cho rằng thân chủ không phạm tội như cáo trạng truy tố. Trong phần bào chữa có phần quá gay gắt nêu ra tại phiên tòa, luật sư Quynh đã bị HĐXX nhắc nhở và khuyến cáo nếu luật sư không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên xử sẽ bị mời ra khỏi phòng xử án.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí sông Đà, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhìn nhận, theo nhận định của VKS thì các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người thực hiện hành vi móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land.

Các bị cáo đã tích cực thực hiện hành vi giúp sức để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Trong đó, bị cáo Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy móc nối, còn bị cáo Đinh Mạnh Thắng trực tiếp tác động để các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh quyết định bán cổ phần, chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng nên vai trò phạm tội cao hơn bị cáo Thái Kiều Hương.

Dẫn lại quan điểm của VKS như nêu trên, luật sư Thiệp cho rằng quan điểm buộc tội của VKS không thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội mà theo xu hướng ngược lại “suy đoán buộc tội” và cũng không thể hiện được nguyên tắc “cụ thể hóa hành vi” mà chỉ nói chung chung hai nội dung tác động bị cáo Thanh chỉ đạo và nhận 5 tỷ đồng.

Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, luật sư Thiệp cho rằng thân chủ của luật sư không bàn bạc và cũng không đồng phạm với các bị cáo khác trong vụ án về tội “Tham ô tài sản”. Có chăng bị cáo Thắng chỉ phạm một tội danh khác nhưng không phải là tội danh đang bị cáo buộc.