Luật nhân quả, khó học quá!

ANTĐ - Nếu bộ nhớ của tôi không có gì trục trặc thì tôi vẫn còn nhớ hồi xưa, ngày Rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân. Hơn chục năm nay lại có thêm Lễ Vu Lan, chả hiểu từ đâu ra?

- Không phải là phú quý sinh lễ nghĩa đâu! Lễ Vu Lan hay còn gọi là ngày lễ báo hiếu cha mẹ, một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo. Đây là dịp để chúng sinh soi lại chính mình, để báo hiếu công đức sinh thành, nuôi nấng của ông bà, cha mẹ. 

- Vậy thử hỏi ngày xưa khó khăn, thiếu thốn trăm thứ thì dễ thường con cái bỏ mặc cha mẹ lúc ốm đau, khi già yếu sao? Ngày xưa theo tôi, chữ hiếu “nặng” hơn thời buổi no đủ, dư dật như bây giờ. 

- Chính vì thế, những ai còn cha mẹ trên đời nên “tranh thủ” báo hiếu, kẻo khi “cáo phó” không còn cơ hội đền ơn sinh thành. 

- Ông nói cứ như… giảng kinh Phật ấy! Tôi thấy dịp lễ Vu Lan năm nào người ta cũng nô nức đem tiền thật đi mua tiền giả, vàng mã, sắm sửa đủ thứ “đồ dùng” đắt tiền để hóa cho các cụ vì “trần sao âm vậy” mà. 

- Một vị hòa thượng đã lên tiếng: Đây là điều mê tín và rất lãng phí. Nhà Phật không dạy đốt vàng mã để cúng người đã mất. Đó là tập quán truyền thống từ bên Tàu du nhập vào ta. Cái hay thì chả học, chỉ toàn học cái dở. Nhiều người cứ nghĩ rằng phải đốt thật nhiều vàng mã mới chứng tỏ hiếu nghĩa, trong khi hàng ngày sống bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu. 

- Đốt cả núi vàng mã, hàng ngàn bó hương cũng không che lấp, xóa mờ được sự thật. Thế nên ở bên họ đã có Luật hiếu nghĩa với cha mẹ, ông bà. 

- Luật nhân quả đã có cả ngàn năm, mà học mãi chưa xong, thì nói gì tới Luật Hiếu nghĩa.