Luật ngầm nào chi phối vụ xét xử Giám đốc Tài chính HuaWei?

ANTD.VN - Quan hệ giữa Canada và Trung Quốc có nguy cơ đổ vỡ sau khi Bắc Kinh cảnh báo Ottawa sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không thả bà Meng Wanzhou - Giám đốc Tài chính Huawei, người bị Canada bắt giữ hôm 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ.

Luật ngầm nào chi phối vụ xét xử Giám đốc Tài chính HuaWei? ảnh 1Canada sẽ chịu nhiều sức ép trong vụ xét xử bà Meng Wanzhou

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-12 đã triệu tập ông McCallum, Đại sứ Canada tại nước này, đến để trao công hàm phản đối việc Ottawa bắt giữ bà Meng. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ vụ việc trên và cảnh báo Ottawa sẽ phải gánh hậu quả “nghiêm trọng” nếu không thả bà Meng.

Trước đó, Canada đã lên tiếng bảo vệ quyết định bắt bà Meng, khẳng định sự việc này không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp. Nhưng cứ xem tuyên bố đầy bức xúc của Bắc Kinh rằng việc bắt giữ doanh nhân của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc là “cực kỳ bẩn thỉu” thì diễn biến tiếp theo chắc sẽ không đơn giản như vậy.

Đằng sau lời cảnh báo của Trung Quốc là không ít những công cụ mà Bắc Kinh có sẵn trong tay để gây sức ép với Ottawa. Theo ông David David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, có thể “cú ra tay” nhẹ nhất mà Bắc Kinh tung ra là đóng băng các chuyến thăm và trao đổi cấp cao với Canada. Tuy nhiên, những “cú đòn” nặng nhất sẽ là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục và du lịch. 

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. Trong 10 tháng của năm 2018, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 49,65 tỷ USD. Nếu cánh cửa Trung Quốc đóng lại, nhiều ngành kinh tế của Canada như chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp… sẽ lao đao.

Bắc Kinh cũng có thể sử dụng các “con bài” từng áp dụng với nhiều nước khi xảy ra tranh chấp như giảm số sinh viên và khách du lịch tới Canada. Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách sinh viên nước ngoài theo học tại Canada, với 140.000 sinh viên. Canada cũng là điểm đến của nhiều người trong tổng số 71,3 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2018. Đây là những nguồn thu trị giá hàng tỷ USD mỗi năm mà Canada không thể coi nhẹ.

Tuy nhiên, “nhẹ tay” với bà Meng cũng không phải là điều dễ dàng với Canada. Hơn ai hết Ottawa cảm nhận rõ “vòng kim cô” ràng buộc trong quan hệ với người hàng xóm khổng lồ Mỹ. Hệ thống pháp luật gắn kết giữa Mỹ và Canada không cho phép nước này có thể mạo hiểm bỏ qua những quy định ràng buộc tồn tại đã bao lâu nay. Nếu bà Meng bị chứng minh là lách luật cấm của Liên hợp quốc để làm ăn với Iran, thì Canada sẽ khó có thể khước từ yêu cầu dẫn độ bà Meng sang Mỹ của Washington.

Trong quan hệ với Canada, “con bài” kinh tế của Mỹ còn nặng đô hơn so với Trung Quốc bởi Washington là bạn hàng lớn nhất của Ottawa. Thỏa thuận thương mại mới mà Mỹ, Canada và Mexico ký tháng 10 năm ngoái với hàng loạt những lợi ích trên thị trường Mỹ là điều mà Canada phải cân nhắc. Nói gì thì nói quan hệ Canada-Trung Quốc vẫn khá non trẻ và còn đang từng bước định hình so với trục lợi ích Washington-Ottawa tồn tại đã bao thập kỷ qua.

Xem ra, Canada có thể bị kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ-Trung. Chắc chắn vụ xét xử bà Meng sẽ không thể không bị chi phối từ những luật ngầm nảy sinh từ cuộc đụng độ giữa hai siêu cường này.