Luật Kinh doanh bảo hiểm lỗi thời sau 20 năm - sẽ sớm sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các Bộ, Ngành, tổ chức có liên quan để xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, các cam kết của Việt Nam và hướng đến chuẩn mực quốc tế...

Theo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm, các chính sách tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 24/2000/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019) đã phát huy tác dụng, điều này có thể thấy ở quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 73 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động với thu nhập ổn định; tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Có khoảng 11,9 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương hơn 10% dân số; 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.

Sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng với khoảng 2.894 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã bộc lộ nhiều lạc hậu

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã bộc lộ nhiều lạc hậu

Bên cạnh đó, bảo hiểm đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2011-2013): Tổng số phí bảo hiểm thu được là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng.

Sau giai đoạn thí điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp và các Quyết định để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Cho đến nay, đang được triển khai tại Nghệ An (bảo hiểm cây lúa), Hà Giang và Bình Định (bảo hiểm trâu, bò).

Việc triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tính đến hết năm 2019, tổng giá trị bảo hiểm là 142.239 tỷ đồng; tổng số lượt tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 40.252; tổng số lượt thuyền viên được bảo hiểm là 422.500; tổng số phí bảo hiểm là 1.234 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2019, các DNBH đã bồi thường bảo hiểm với tổng số tiền ước đạt 804 tỷ đồng và hiện đang tiếp tục giám định, xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm với số tiền khoảng 192 tỷ đồng.

Bảo hiểm cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ. Điển hình, sau các vụ rối loạn, gây mất trật tự xảy ra ngày 13-15/5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương tạm ứng bồi thường 1.209 tỷ đồng cho 430 doanh nghiệp bị thiệt hại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, do đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm thì Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định. Một số quy định của Luật không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự.

Các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, mô hình quản lý tài chính lạc hậu, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro...

Do đó, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các Bộ, Ngành, tổ chức có liên quan để xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, các cam kết của Việt Nam và hướng đến chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm, đảm bảo các mục tiêu về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng.

Đồng thời, Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cải cách mạnh mẽ thể chế, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, vừa đi tắt, đón đầu xu thế của khu vực và thế giới, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực Châu Á.