Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: "Món quà quý" với cộng đồng doanh nghiệp?

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho biết, quan điểm xây dựng nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ người đi hỗ trợ, chứ không phải mang “tiền tươi” đi hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, dự luật này vừa qua đã nhận được sự đồng thuận cao trong Quốc hội và nếu được thông qua, đây sẽ là “món quà quý” đối với doanh nghiệp.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: "Món quà quý" với cộng đồng doanh nghiệp? ảnh 1Không trực tiếp hỗ trợ tiền vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Không áp đặt ngân hàng cho vay tiền

Theo ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các ngân hàng đưa ra mức chuẩn rất cao và chặt chẽ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. “Vấn đề hiện nay là làm sao để doanh nghiệp đạt chuẩn với ngân hàng? Quan điểm này chưa công bằng, mà phải làm sao để ngân hàng đạt chuẩn với doanh nghiệp. Khi muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì phải thay đổi đồng bộ để doanh nghiệp không gặp trở ngại”.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, đây là vấn đề ông đã phải giải trình rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật. “Tôi khẳng định chưa bao giờ có việc áp đặt ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Cách diễn đạt này đã thổi phồng vấn đề, trái với ý tưởng của chúng tôi”- ông Đặng Huy Đông cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Luật khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tính dụng cố gắng đạt tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống. Nếu ngân hàng đạt được, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý bằng nghiệp vụ của ngân hàng như: khen thưởng, cấp bù tín dụng… chứ không phải hạ chuẩn cho vay. 

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho rằng, ngân hàng là nhóm doanh nghiệp đặc thù. Với 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không có lý do gì để ngân hàng không hướng đến nhóm doanh nghiệp này.

“Cùng một món vay thì doanh nghiệp lớn vay 1.000 tỷ, ngân hàng cũng phải thực hiện 1 quy trình, mà doanh nghiệp nhỏ vay 50 triệu cũng là 1 quy trình thẩm định. Hiện nay nợ xấu chủ yếu rơi vào các “đại gia” và khu vực bất động sản, nhiều ngân hàng đã thấy chơi với đại gia quá rủi ro nên họ đã có chính sách riêng cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa”- ông Đặng Huy Đông phân tích. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng cần vượt lên để đạt được các điều kiện của ngân hàng. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo điều kiện để 2 phía đi lại gần nhau hơn. 

Hỗ trợ bằng cách nào?

Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam cho biết rất khó để đánh giá xem yếu tố nào doanh nghiệp đang khó khăn nhất bởi lẽ, nếu doanh nghiệp đã có công nghệ, nhân lực nhưng thiếu mặt bằng, thiếu vốn thì vẫn không thể sản xuất. Tuy nhiên, có 6 vấn đề tồn tại dai dẳng làm khó doanh nghiệp là: mặt bằng sản xuất, tín dụng, công nghệ, nhân lực, thị trường và khả năng tuân thủ các quy định. “Luật ban hành thì phải triển khai rất nhanh. Nếu triển khai chậm sẽ ảnh hưởng tới tính ưu việt của chính sách, tức là ảnh hưởng đến doanh nghiệp”- ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay, cách tiếp cận khi xây dựng Luật là đi theo nhu cầu của doanh nghiệp, tức doanh nghiệp thiếu và yếu cái gì thì hỗ trợ. Ông Đặng Huy Đông nói: “Ngay giai đoạn đầu thảo luận, mọi người đưa ra ý kiến là lấy tiền đâu ra? Chuyên gia kinh tế cũng nói 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lấy đâu ra tiền mà “vãi” cho đủ. Họ hiểu là Luật này có khoản tiền đưa ra cụ thể, tôi khẳng định không có việc đó, cũng không có nước nào làm được hết. Chúng tôi không thể đưa cho từng doanh nghiệp nhưng nhận diện nhóm thông tin cụ thể nào đó thiếu thì Nhà nước tạo điều kiện cho nhóm cá nhân, doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp lớn có nguồn lực sẵn sàng bỏ hàng chục tỉ thuê tư vấn bên ngoài đánh giá thị trường rồi về làm chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ không làm được thì Nhà nước phải làm”. 

Chẳng hạn, với mặt hàng vải thiều hoặc thịt lợn, từng hộ gia đình không xác định được thị trường, thị hiếu. Nhà nước sẽ giúp khảo sát thị trường, củng cố cụm liên kết ngành rồi tư vấn cho người dân, để người dân biết vậy mặt hàng đó thừa hay thiếu để chủ động sản xuất, tránh dư thừa, mất giá.