Luật du lịch 2017 không phải để hướng dẫn viên "một cổ mấy tròng"

ANTD.VN -Đông đảo các hướng dẫn viên (HDV) du lịch tự do tại Việt Nam đang dấy lên nhiều luồng tranh luận, hoang mang trước Luật Du lịch 2017. Họ lo ngại bị sự gò bó, bị hạn chế công việc và túi tiền khi phải vào công ty, tổ chức.

Luật du lịch 2017 không phải để hướng dẫn viên "một cổ mấy tròng" ảnh 1

Luật Du lịch 2017 nhằm tăng cường quản lý hoạt động của HDV, bảo vệ quyền lợi cho hướng dẫn viên, đảm bảo trật tự, tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch

Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam ban hành văn bản số 1342/TCDL-LH đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành thực hiện triển khai quản lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018

Doanh nghiệp và HDV: cùng tâm lý e dè, căng thẳng

Hướng dẫn viên N.T.Tùng băn khoăn: “Tôi thấy bất cập, các HDV giỏi, lành nghề đều đi hướng dẫn cho nhiều công ty để có thêm thu nhập. Mức phí được đề nghị làm thẻ hội viên Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam là 500.000 đồng và 1 triệu đồng với phí thường niên, mức phí tuy không nhiều lắm nhưng tôi chưa thấy hợp lý. Tôi không rõ vào Hội thì Hội sẽ bảo vệ HDV ở cấp độ gì, Hội hoạt động hiệu quả ra sao”?

HDV hiểu rõ từ nay họ sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn, tuy tránh được nạn HDV “chui”, nhưng những HDV chân chính chăm chỉ “cày miếng cơm manh áo” lại ngại ràng buộc. Nhất là vì cạnh tranh, không phải công ty lữ hành nào cũng “mát lòng mát dạ” giao tour cho HDV đang là biên chế của công ty khác.

Nhiều sinh viên theo học ngành du lịch lo lắng, khi ra trường còn non trẻ, kinh nghiệm chưa dày dặn muốn hành nghề hướng dẫn viên khó có được ngay một hợp đồng lao động với một doanh nghiệp lữ hành. Dẫn tour tự do vốn là cách để sinh viên mới ra trường được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Ông Hoàng Công Cường – Giám đốc Công ty TNHH du lịch quốc tế Grouptour chia sẻ: “Nên nhìn ở hai mặt, việc “siết” các điều kiện hành nghề đối với HDV tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành có nguồn hướng dẫn viên chất lượng, kĩ năng tốt. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn bởi không nhiều hướng dẫn viên kí hợp đồng vì công việc, lịch tour không đều”.

Trước những tình trạng HDV ý không tuân thủ quy định, không báo lại doanh nghiệp khi hủy tour sát giờ, tự ý thay đổi lịch trình, dẫn khách đi mua sắm để nhận “hoa hồng”, khách qua cửa khẩu rồi nhưng không có hướng dẫn viên đón... Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều nhận ra các lợi ích khi quản lý HDV theo quy định của Luật Du lịch năm 2017. Doanh nghiệp sẽ có đầy đủ thông tin về HDV, nắm rõ về trình độ nghiệp vụ của HDV để lựa chọn HDV phù hợp với tính chất của đoàn khách, phục vụ đoàn chu đáo, đảm bảo chất lượng tour và các dịch vụ đi kèm.

Căng thẳng, tranh luận như vậy, song kể cả những doanh nghiệp và HDV đọc sơ sơ lẫn đọc kỹ Luật Du lịch 2017 vẫn khúc mắc. Họ muốn biết tường tận các loại hợp đồng HDV phải có với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành mà Luật quy định cụ thể như thế nào? Nguyên do vì du lịch Việt Nam vẫn mang tính chất mùa vụ. Khi công ty ký hợp đồng với HDV, những lúc ít việc, công ty ảnh hưởng đến thu nhập của HDV, đồng thời, khi doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút nhưng vẫn phải chi phí. Cả doanh nghiệp lẫn HDV đều e dè khi phải đứng trước các quy định quản lý, họ xem xét thận trọng tránh để tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong khi du lịch Việt Nam đang rất phát triển, dịch vụ lữ hành còn nhiều khó khăn.

Luật Du lịch 2017 vẫn “mở”

Trước ý kiến HDV trước đã có Tổng cục Du lịch quản lý, giờ lại thêm doanh nghiệp, hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch quản lý nữa thì HDV “một cổ mấy tròng”, bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành nói: “Trước nay, Tổng cục Du lịch quản lý HDV thì đã bị phàn nàn là chỉ quản lý đầu vào, nghĩa là quản lý hồ sơ xin cấp thẻ HDV theo quy định của pháp luật mà không quản lý HDV hoạt động ra sao”.

Bà Phạm Lê Thảo lý giải: “HDV muốn tự do tìm việc, doanh nghiệp muốn tự do để quản lý HDV, HDV được độc lập nhận việc, tuân theo quy định của luật pháp về đóng thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp  tuân thủ theo quy định của luật pháp đóng thuế doanh nghiệp và cho HDV. Tất cả đều tự do trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, họ không hề báo cáo Tổng cục Du lịch, cho nên HDV không thể nói: “Trước đây Tổng cục Du lịch quản lý thế là được rồi”.

Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Phạm Lê Thảo quan ngại: “Theo điều tra sơ bộ, phần lớn HDV du lịch hiện giờ đang hoạt động độc lập một cách hoàn toàn: nhận chương trình tour của một công ty, đi tour và nhận thù lao. Thế nhưng những HDV này không có cơ sở nào để đóng bảo hiểm xã hội. Mặt khác, có trường hợp HDV bị du khách gạ gẫm nhưng không dám bỏ tour vì sợ doanh nghiệp lữ hành phạt không thanh toán, bị khách say xỉn đánh đập”...

Còn doanh nghiệp đau đầu trước hiện tượng: HDV tự hoạt động, mượn danh doanh nghiệp đứng ra đón khách. Nếu như tour đó suôn sẻ, doanh nghiệp chỉ thiệt một ít tiền, HDV thu được tiền, không phải trả cho doanh nghiệp và trốn thuế. Nhưng nếu không suôn sẻ ai sẽ đền bù hậu quả cho khách, doanh nghiệp bị mang tiếng xấu, gọi lại thấy HDV tắt máy mất hút. Vì vậy, việc doanh nghiệp sử dụng những HDV có đủ điều kiện hành nghề có tầm quan trọng rất lớn khiến HDV và doanh nghiệp có trách nhiệm với nhau và có trách nhiệm với ngành du lịch Việt Nam.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành: “Ngoài tham khảo Luật Lao động, HDV cần đọc và nắm Luật du lịch 2017: khi dẫn khách, HDV cần mang thẻ HDV du lịch và hai loại hợp đồng. Nếu đã là HDV cơ hữu của một công ty lữ hành, bạn chỉ cần có thêm văn bản giao việc của doanh nghiệp thôi. Văn bản đó chúng tôi gọi là phiếu điều tour, nội dung gồm tour đi đâu, ngày giờ, số lượng thành viên trong đoàn, giao cho HDV tên gì”...

Bà Phạm Lê Thảo nói thêm: “Còn một loại hợp đồng khác là hợp đồng cộng tác viên. Khác với hợp đồng biên chế (cơ hữu) được trả lương cứng đều đặn, HDV ký hợp đồng cộng tác viên với doanh nghiệp có thể được trả lương cũng có thể không, đó là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi không can thiệp được”. Nếu có việc, doanh nghiệp ngỏ lời mời tới HDV có hợp đồng cộng tác viên, cùng với phiếu điều tour là đảm bảo điều kiện HDV hành nghề. Trước nay, HDV vẫn nhiều hợp đồng cộng tác viên với nhiều công ty.

Thời điểm doanh nghiệp thấy cần thiết HDV, bất kể lý do gì, ví như có đoàn khách đột xuất lại hết HDV, đoàn khách nước ngoài không phù hợp với ngôn ngữ HDV cơ hữu của họ, doanh nghiệp có thể mời HDV bên ngoài. Doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng vụ, việc với người HDV đó, loại hợp đồng này được coi là nhóm hợp đồng thứ 2. Ngày trước, HDV chỉ cần hợp đồng đấy là đủ. Bây giờ, ngoài hợp đồng vụ việc, HDV phải là người cố định ở nơi khác.

Bà Phạm Lê Thảo khẳng định: “Quy định không ép các HDV phải vào chính thức doanh nghiệp nào mà được quyền lựa chọn có hợp đồng với công ty lữ hành hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Không nhất thiết HDV phải vào Hội hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam, họ có thể lựa chọn một Hội khác với đủ các tiêu chí đã quy định, hoặc tự thành lập Hội theo quy định của pháp luật”.