- Gần 8.000 lượt ý kiến đóng góp về Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân
- Sửa Luật Đất đai: Cần hạn chế thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, khu dân cư
- Luật Đất đai (sửa đổi): Cần điều chỉnh cơ chế xác định giá đất khoa học, sát thực tiễn
Cần tăng hạn mức giao đất
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu góp ý, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed thẳng thắn: Luật Đất đai 2013 được triển khai qua 10 năm và đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp, trong đó, cần thể chế hoá các quy định về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Không một đất nước, tổ chức, doanh nghiệp nào hoạt động mà không có yếu tố đất. Vai trò của đất đai có vị trí hết sức quan trọng. Tôi kiến nghị, Luật Đất đai sửa đổi phải làm sao để giữ được đất, trồng cây gây rừng. Có rất nhiều ý kiến góp ý của các bạn quốc tế khi tôi sang làm việc, tiếp cận với họ, họ đều khuyên phải giữ lấy đất, giữ lấy rừng”, ông Báo nói.
Thứ hai, vấn đề hạn điền, ông Báo cho rằng đây là vấn đề bức xúc nhất cần được tháo gỡ tại Luật Đất đai 2013. Phải tăng lên về hạn mức giao đất, cho thuê đất mới có thể triển khai đầu tư quy mô lớn trong nông nghiệp, nếu giao nhỏ lẻ, manh mún 5, 10 hay vài ba chục ha không thể “cởi trói” được cho doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) phải làm sao giữ đất, trồng cây gây rừng |
Ông Báo cũng kiến nghị cần nới rộng thời hạn thuê đất nông nghiệp, không nên ấn định thời hạn thuê đất để đạt tới sự hài hoà.
Nhà máy chế biến nông sản đặt ở đâu?
“Luật cũng cần thể chế hoá nội dung đất sử dụng cho các dự án, công trình nông nghiệp. Nếu chúng ta làm công nghiệp có thể thuê đất trong khu công nghiệp, nhưng chế biến nông sản, chúng ta không thể đặt nhà máy chế biến trong khu công nghiệp được, vì trong đó có bụi mịn, hoá chất… ảnh hưởng tới sản phẩm nông nghiệp chế biến, không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…. Do đó, các đơn vị chế biến nông sản phải được đặt ở giữa khu vực nông nghiệp, tránh xa khu dân cư… Nên có quy định đối với đất dành cho khu chế biến nông sản riêng”, ông Trần Mạnh Báo kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại diện Tập đoàn Xuân Thiện nêu ý kiến: với các dự án thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng…, nhiều địa phương lúng túng đang không biết xếp các dự án chế biến nông lâm, thuỷ sản, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… có thuộc nhóm dự án nông nghiệp hay không. Điều đó gây trở ngại cho quá trình đầu tư và chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đề xuất giải quyết vướng mắc trong các quy định của pháp luật về sử dụng đất để các tổ chức khoa học công nghệ công lập ngành nông nghiệp thực hiện liên doanh liên kết, hợp tác công tư trong nghiên cứu, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
"Cởi trói" đất giao cho các Viện làm khoa học
Ông Thế Anh chia sẻ, đất đai do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang quản lý là rất lớn, nếu chia trung bình theo đầu người thì mỗi một cán bộ đang quản lý 1ha/người.
Tuy nhiên, Luật Đất đai chỉ cho phép các đơn vị đã tự chủ hoàn toàn được giao đất, cho thuê đất, liên doanh liên kết, hợp tác… bằng đất; còn các đơn vị mới tự chủ một phần không được quyền này. Thành thử, nếu Viện không có kế hoạch giữ đất, bảo vệ đất… sẽ bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
Bởi vậy, ông Thế Anh kiến nghị, Điều 30 Khoản 1 (Luật Đất đai sửa đổi) bổ sung nội dung này để “cởi trói” cho các Viện, đơn vị nghiên cứu khoa học trong sử dụng đất đai…
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang quản lý 500 cơ sở nhà, đất tại 20 cơ quan hành chính, 74 đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên địa bàn 52 tỉnh/thành phố. Tổng quỹ nhà, đất các đơn vị thuộc bộ quản lý, sử dụng khoảng 253.807,2 ha đất, trong đó 11 Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ NN&PTNT đang quản lý sử dụng khoảng 14.705 ha đất.