Luẩn quẩn giá xăng dầu

ANTĐ - Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng trên 123 USD/thùng, một số doanh nghiệp trong nước đã có đề xuất tăng giá xăng dầu thêm từ 700 đồng đến 1.300 đồng/lít. Không tán thành phương án tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, song các chuyên gia kinh tế cũng chưa giải được bài toán này.

Luẩn quẩn giá xăng dầu  ảnh 1
Người dân “sợ” tăng giá xăng dầu
Nếu đề xuất tăng giá xăng dầu trên được chấp thuận thì giá xăng A92 tối đa sẽ ở mức 24.450 đồng/lít, dầu diesel lên 23.100 đồng/lít, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8-2010 của Bộ Công Thương vừa diễn ra, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, cơ quan quản lý sẽ cân nhắc phương án giảm thuế nhập khẩu, tăng trích quỹ bình ổn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho biết, hiện thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu đang ở mức 12% trong khi khung mức trần cho phép là 20%. 

Nhận định về vấn đề này, Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh giá thế giới tăng, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước lại nhập khẩu tới 70% lượng xăng dầu tiêu thụ thì việc tăng giá bán lẻ trong nước là bất khả kháng. “Nhưng phải điều chỉnh làm sao cho các doanh nghiệp ngành khác chịu đựng được vì hiện tại doanh nghiệp và người tiêu dùng rất khó khăn. Tuy nhiên, lợi ích của nhà nước vẫn phải đảm bảo” - ông Long nhấn mạnh.

Trước thông tin cho rằng Liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng trích quỹ bình ổn cho doanh nghiệp lên 500 đồng/lít xăng, dầu, đồng thời giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này thêm 2%, có ý kiến cho rằng việc giảm thuế sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đang giảm do bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhưng ông Long cho rằng biện pháp trên vẫn là hợp lý, bởi mức giảm 2% đã có “sự chia sẻ” giữa người dân - Nhà nước và doanh nghiệp. Cùng chung quan điểm này, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, một lít xăng đã cõng tới gần 7.000 đồng tiền các loại thuế và phí. Nếu tiếp tục tăng giá xăng dầu lần này nữa sẽ tạo cú sốc lên nền kinh tế.

Liên quan tới thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nên để 30 ngày hay 10 ngày, ông Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm, nếu để giá xăng theo thị trường thì trong thời gian càng ngắn, giá xăng được điều chỉnh càng tốt. Hiện tại, do nhà nước yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải có đủ dự trữ trong vòng 30 ngày nên theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu thì thời gian tối thiểu điều chỉnh giá là 30 ngày. Tuy nhiên, thời gian điều chỉnh là 10 ngày cũng chưa hợp lý, vì vẫn chậm hơn so với thị trường. “Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nên để từ 5-7 ngày, mới theo kịp giá thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm khó khăn này, khoảng thời gian 10 ngày thích hợp hơn”. Tuy nhiên, còn ý kiến trái chiều do thời điểm đưa ra phương án 10 ngày tăng giá/ lần lại đúng vào lúc giá xăng dầu biến động tăng liên tục nên cảm giác mật độ tăng giá quá dày.

Tăng giá xăng dầu là bất khả kháng, tuy nhiên theo ông Long, việc quan trọng là các cơ quan quản lý cần làm là phải kiểm tra giá CIF (giá của bên bán hàng đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. “Không phải chỉ nghe báo cáo một chiều, cơ quan quản lý cần kiểm tra thực tế. Nếu cần có thể bỏ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thời điểm này cũng được” - ông Long nói.