Lừa đảo gần 500 tỷ đồng tại Cần Thơ: Rút tiền ngân hàng quá dễ?!

ANTĐ - Khi các cơ quan chức năng vào cuộc mới biết những khoản vay “khổng lồ” của Công ty TNHH An Khang. Công ty chỉ có hai lô hàng lưu trữ trong kho gồm cá tra phi lê và chả cá thành phẩm trị giá 30 tỷ đồng nhưng vay hơn 10 triệu đôla...

Kỳ 1: Sự thật về 47 bộ hồ sơ trị giá hàng trăm tỷ đồng

* Sau bảy năm hoạt động, Công ty TNHH An Khang (địa chỉ lô 2-9A2, Khu công nghiệp Trà Nóc II, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) mất khả năng thanh toán và để lại số nợ 500 tỷ đồng Trong ba tháng (từ 6-2011 đến 9-2011), Công an TP.Cần Thơ thụ lý nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ngân hàng. Một số cán bộ ngân hàng duyệt cho vay hàng trăm tỷ đồng từ những bộ hồ sơ giả mà không hề thẩm định, xác minh giá trị thực tài sản, câu kết với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số lượng tiền lớn của các tổ chức tín dụng, người dân.

Thu Sương ký vào quyết định khởi tố bị can

Ngày 8-9 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Cần Thơ thực hiện lệnh bắt bị can Nguyễn Thị Thu Sương (1975, ngụ đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, phó giám đốc Công ty TNHH An Khang) cùng chồng Hồ Thanh Bình (SN 1970) và ba thuộc cấp. Trụ sở Công ty TNHH An Khang vắng lặng lạ lùng. Một người dân bán quán cà phê gần trụ sở công ty nói: “Mấy bữa trước người dân tụ tập đông lắm để xiết nợ nhưng có lấy được đồng nào đâu. Họ nuôi cá trần ai nhưng bán nhầm cho đại gia ảo. Công nhân thì bỏ sở tìm nơi khác mưu sinh”.

Ngày 27-12-2004, Công ty TNHH An Khang được thành lập với ngành nghề chuyên thu mua các mặt hàng thủy sản do ông Nguyễn Hồng Quân (SN 1949, ngụ đường Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc cùng con gái Nguyễn Thị Thu Sương làm phó giám đốc. Ban đầu, công ty có khoảng 1.000 công nhân làm việc. Với cơ ngơi bề thế, ông Quân cùng con gái trở thành đại gia trong giới xuất khẩu thủy sản ở Tây Đô. Mỗi lần đi giao dịch, vị giám đốc và cô con gái chễm chệ trên chiếc Mercedes đời mới, ăn nhà hàng sang trọng. Khi giao dịch với đối tác, Sương luôn khoe những lô hàng trị giá hàng chục triệu đôla đang chờ xuất khẩu. Nhờ vẻ bề ngoài hào nhoáng, Sương được một số đối tác, các ngân hàng ký kết nhiều hợp đồng cho vay vốn hàng triệu đôla.

Hiện nay Công ty An Khang mất khả năng thanh toán 500 tỷ đồng

Do vay nhiều tiền nhưng hoạt động cầm chừng, đầu năm 2011, Công ty TNHH An Khang bị nhiều khách hàng xiết nợ. Cứ tờ mờ sáng, hàng chục người dân tìm đến công ty buộc giám đốc phải ký giấy nhận nợ. Ngày 21-7-2011, trước sức ép của chủ nợ là những nông dân bán cá cho công ty, giám đốc Nguyễn Hồng Quân đã ký Tờ thỏa thuận giao toàn bộ hai kho hàng đã bị ngân hàng niêm phong để trả cho các hộ bán cá tra nguyên liệu. Trưa 3-8-2011, một số người tự nhận là chủ hộ bán cá tra nguyên liệu đã tự ý vào kho hàng của công ty khống chế bảo vệ, cưa ổ khóa đã bị ngân hàng niêm phong thay ổ khóa khác. Ngày hôm sau, các đối tượng trên lại tự ý mở cửa kho lấy số lượng hàng lớn gồm cá tra phi lê và chả cá thành phẩm chất lên xe để xiết nợ.

Khi các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ vào cuộc, người ta mới biết những khoản vay “khổng lồ” của Công ty TNHH An Khang. Công ty chỉ có hai lô hàng lưu trữ trong kho gồm cá tra phi lê và chả cá thành phẩm trị giá 30 tỷ đồng nhưng vay hơn 10 triệu đôla.

Từ ngày 4-3-2011 đến ngày 26-6-2011, bà Sương chỉ đạo thuộc cấp làm 44 bộ hồ sơ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) công thương Việt Nam chi nhánh Khu công nghiệp Trà Nóc (Vietinbank CN Trà Nóc) với số tiền gần 6,7 triệu đôla. Tiếp đến, Sương thế chấp ba bộ chứng từ để vay ngân hàng khác năm tỷ đồng.

Thông tin Công ty TNHH An Khang vỡ nợ làm rúng động một số ngân hàng ở TP.Cần Thơ. Tính đến nay các cơ quan chức năng xác nhận, Công ty TNHH An Khang nợ Ngân hàng Vietinbank CN Trà Nóc 6,7 triệu đôla tương đương 128 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình CN Cần Thơ gần năm tỷ đồng, Ngân hàng phát triển Việt Nam CN khu vực Cần Thơ - Hậu Giang gần 200 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á CN Cần Thơ gần 27 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Eximbank CN Tây Đô 30 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Tế CN Cần Thơ 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH An Khang nợ tiền mua cá của 23 hộ dân gần 27 tỷ đồng; nợ tiền của tám cá nhân vay để đáo nợ ngân hàng gần 43 tỷ đồng và nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương công nhân... 11 tỷ đồng. Tổng cộng, số nợ của công ty này gần 500 tỷ đồng.

Trước thực trạng mất an ninh trật tự xảy ra tại Công ty TNHH An Khang, cuối tháng 7-2011, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã chỉ đạo ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ chủ trì các cuộc họp với một số ngân hàng trên địa bàn để thống nhất hướng giải quyết các khoản nợ của Công ty TNHH An Khang. Qua đó, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ đã xác định, hai kho hàng của Công ty An Khang trị giá khoảng 30 tỷ đồng đã thế chấp Ngân hàng TMCP Đông Nam Á CN Cần Thơ, nhưng sau đó lại thế chấp bốn ngân hàng khác với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank Việt Nam đã kiểm tra, nhờ cơ quan công an thẩm định hồ sơ và phát hiện toàn bộ hồ sơ thế chấp đều được làm giả.

Ngày 15-7-2011, Cơ quan CSĐT Công an TP.Cần Thơ ký quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH An Khang. Cơ quan điều tra phát hiện, Sương cùng Phong trực tiếp làm giả bộ chứng từ xuất khẩu, thay đổi nội dung, ký tên đóng dấu, hoặc phôtô cắt ghép để đem đi vay tiền. Các đối tượng trên còn làm giả đơn của các hãng tàu AAA và Ngân Vỹ Dương với giá năm triệu đồng/bộ. Sau đó, Sương cắt dán nội dung cần thiết lên các mẩu trên mang đi phôtô, in hoàn chỉnh và tự ký tên vào các biểu mẩu. Sương trực tiếp hoặc yêu cầu Phong, Đào, Linh là nhân viên mang đến ngân hàng làm thủ tục chiết khấu. Vì sao các đối tượng này có thể dùng hồ sơ giả để vay tiền từ ngân hàng? Đằng sau sự dễ dàng này có sự “ưu ái” của các cán bộ ngân hàng ra sao?                        

(Còn tiếp)