Lừa đảo dễ dàng bằng “miếng mồi” chiết khấu cao

ANTĐ - Tìm đến các cửa hàng kinh doanh, giới thiệu là người của công ty chuyên bán các sản phẩm của Kangaroo, rồi đề nghị được treo biển quảng cáo tại cửa hàng với giá nhiều triệu đồng/tháng; tiếp đó, các đối tượng lừa đảo ngon ngọt thuyết phục khiến chủ nhà bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng để “ôm” sản phẩm chúng mang tới...

Những tờ quảng cáo các đối tượng lừa đảo để lại cửa hàng chị Hương

Lời chào mời hấp dẫn

Thấy 2 nam thanh niên ăn mặc khá lịch sự bước vào, chị Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng bán giải khát ở phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm niềm nở mời ngồi và sẵn sàng phục vụ. Tuy  nhiên, 2 nam thanh niên giới thiệu họ là nhân viên của công ty thuộc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và môi trường, nơi phân phối chính thức các sản phẩm của hãng Kangaroo ở các tỉnh phía Bắc, đóng trụ sở ở phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hai thanh niên đặt vấn đề với chị Hương cho họ được treo biển quảng cáo các sản phẩm của công ty trong cửa hàng với giá 8 triệu đồng/tháng. Biển quảng cáo họ đưa ra là một số tờ giấy khổ A4 có in hình ảnh các sản phẩm của Kangaroo, bảng báo giá; trong đó nêu rõ mức chênh lệch rất cao giữa giá nhập và giá bán sản phẩm. 2 nam thanh niên ngon ngọt và để lại số điện thoại di động trước khi ra về, cùng lời dặn khi có khách cứ gọi điện thoại, họ sẽ mang sản phẩm đến.

Đầu giờ chiều cùng ngày, có 1 phụ nữ tới cửa hàng của chị Hương uống nước. Sau khi xem nội dung quảng cáo các sản phẩm của hãng Kangaroo dán trên tường, người phụ nữ này giới thiệu với chị Hương chị ta là kế toán của một bệnh viện ở quận Hai Bà Trưng. Hiện, cơ quan chị ta đang cần mua sản phẩm phòng dịch của Kangaroo, và đặt mua  1.000 gói (loại 50g/gói), hẹn cuối giờ chiều sẽ quay lại lấy hàng. Mừng quá, chị Hương lập tức liên lạc ngay với 2 thanh niên hồi sáng. Nhận được điện thoại của chị Hương, 1 trong 2 nam thanh niên chúc mừng chị đã khởi đầu may mắn, nhưng cho biết dòng sản phẩm phòng dịch của công ty chỉ còn 400 gói, và đã có khách ở huyện Gia Lâm đặt mua. “Thôi để em cố gắng trình bày với giám đốc trung tâm “ưu tiên” sản phẩm này cho chị vậy”, nam thanh niên hứa hẹn và thông báo sáng hôm sau mới mang hàng đến.

Quá trình liên lạc qua điện thoại, nam thanh niên cũng thông báo cho chị Hương biết một sự kiện, là công ty sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập ở khách sạn Daewoo trong chiều hôm sau, người thanh niên nói chị Hương có tên trong danh sách khách mời và công ty sẽ có xe ô tô đến đón lúc 14h. Để củng cố niềm tin cho chị Hương, thanh niên này cho số ĐTDĐ của giám đốc trung tâm. Khi chị Hương gọi điện, 1 người đàn ông xưng tên là Nam, giới thiệu là Giám đốc trung tâm phân phối sản phẩm Kangaroo. Thấy tên vị giám đốc trùng khớp với tên giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và môi trường in trong tờ quảng cáo, có đóng dấu và chữ ký của vị giám đốc này, chị Hương thêm yên tâm. Trong lúc này, nữ kế toán của bệnh viện luôn gọi điện nhắc chị Hương phải đảm bảo giao hàng đúng giờ. Cho biết lý do “chậm” bàn giao hàng, chị Hương hẹn khách đến sáng hôm sau. 

“Sập bẫy” lừa

Đúng hẹn với chị Hương, sáng hôm sau, 2 nam thanh niên mang 400 gói phòng dịch Kangaroo tới cửa hàng và đề nghị thanh toán ngay để họ về công ty lo chuẩn bị cho việc kỷ niệm 10 năm thành lập. Theo đúng bảng giá trong tờ quảng cáo, giá bán mỗi gói phòng dịch là 250.000 đồng, chị Hương phải trả 100 triệu đồng. Chị Hương gọi điện ngay cho nữ “khách sộp” đến lấy hàng. Tuy nhiên, vị khách cho biết đang trên đường tới sân bay Nội Bài để đón con, không thể quay về được và nhờ chị Hương trả hộ tiền. Chị Hương nói không có đủ tiền, thì “khách sộp” nhờ vay hộ tiền, và tính lãi bao nhiêu cũng chấp nhận. 

Lúc này, bao nhiêu sự tỉnh táo của chị Hương đã biến đâu hết. Chị hối hả huy động “nóng” tiền của người thân và đưa đủ 100 triệu đồng cho 2 nam thanh niên. Do bị 2 thanh niên giục giã nên chị Hương quên cả việc đòi khoản tiền chiết khấu. Sau khi 2 thanh niên đi khỏi cửa hàng, chị Hương gọi điện cho nữ “khách sộp” thì không liên lạc được. Gọi tới vị giám đốc tên Nam thì điện thoại cũng “ngoài vùng phủ sóng”. Biết bị lừa, chị Hương đã tới CAQ Hoàn Kiếm trình báo.

 Xác minh số ĐTDĐ của các đối tượng đã liên lạc với chị Hương. CQĐT nắm được đó đều là số sim “rác”. Xác minh địa chỉ phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, nơi có trung tâm chuyên phân phối các sản phẩm liên quan đến các thiết bị xử lý nước, thiết bị gia dụng, như thông tin trong tờ quảng cáo, CQĐT được biết tại đây đúng là có 1 trung tâm như vậy, vị giám đốc trung tâm cũng tên là Nam. Tuy nhiên, số điện thoại của trung tâm và Giám đốc Nam lại không đúng với tờ quảng cáo mà 2 nam thanh niên đã phát tại cửa hàng của chị Hương. Đáng chú ý, giá bán mỗi gói phòng dịch chỉ 25.000 đồng... 

Qua tìm hiểu, cơ quan công an được biết, trước đó có rất nhiều người tìm đến địa chỉ của Trung tâm trên phố Nghĩa Tân, mới vỡ lẽ bị bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tinh vi tương tự như đã lừa chị Hương. Những người bị hại chủ yếu cư trú ở các tỉnh ngoài, đều có cửa hàng kinh doanh buôn bán ở mặt đường. Có bị hại ở tỉnh Phú Thọ bị lừa đảo chiếm đoạt 80 triệu đồng. Qua việc trên, Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàn Kiếm khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm lừa đảo, nếu phát hiện thấy các đối tượng có hành vi nghi vấn cần thông báo ngay tới cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng trước pháp luật.

(Tên người bị hại đã được thay đổi)