Lừa của đối tác bằng thủ đoạn tinh vi

(ANTĐ) - Tháng 10-2009, cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội nhận được đơn của ông Martin Hlavacek - Giám đốc Công ty TNHH Neoinvest s.r.o, có trụ sở tại Praha Borivojova 35/878, PSC 130 00, CH Czech tố cáo Dương Sơn Ca (ảnh), Giám đốc Công ty CP Thịnh Quang, trụ sở tại 41/299/66 phố Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào lá đơn trên, cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội của Dương Sơn Ca như sau:

Lừa của đối tác bằng thủ đoạn tinh vi

(ANTĐ) - Tháng 10-2009, cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội nhận được đơn của ông Martin Hlavacek - Giám đốc Công ty TNHH Neoinvest s.r.o, có trụ sở tại Praha Borivojova 35/878, PSC 130 00, CH Czech tố cáo Dương Sơn Ca (ảnh), Giám đốc Công ty CP Thịnh Quang, trụ sở tại 41/299/66 phố Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào lá đơn trên, cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội của Dương Sơn Ca như sau:

Ngày 16-1-2009, Công ty TNHH Neoinvest s.r.o (gọi tắt là Công ty Neo) do ông Martin Hlavacek làm giám đốc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Thịnh Quang (gọi tắt là Công ty Thịnh Quang) do Dương Sơn Ca (SN 1979), trú tại thôn Liên Hiệp, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, chỗ ở tại CT2, khu độ thị Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai làm giám đốc với nội dung: Công ty Neo là bên bỏ vốn được quyền trực tiếp ký hợp đồng và khách hàng sẽ thanh toán tiền vào tài khoản của Công ty Neo.

Còn Công ty Thịnh Quang là bên trung gian, không phải bỏ vốn, có trách nhiệm tìm khách hàng, thương lượng các điều khoản giao dịch và không được nhận tiền thanh toán từ khách hàng. Kết thúc mỗi giao dịch, sau khi trừ các chi phí, Công ty Neo sẽ chuyển cho Công ty Thịnh Quang 50% lợi nhuận.

Từ cơ sở thỏa thuận trên, ngày 20-2-2009, Ca đại diện Công ty Thịnh Quang ký hợp đồng mua 4 máy in phun Linx 6900 giá 39.000 USD (đã có thuế 5%) với Công ty CP xi măng Bỉm Sơn (gọi tắt là Công ty Bỉm Sơn), trụ sở tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhưng lại quy định Công ty Bỉm Sơn sẽ thanh toán 100% tổng giá trị hợp đồng cho Công ty Thịnh Quang tại ngân hàng. Sau đó, để ông Martin Hlavacek tin tưởng Ca thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Ca đã ký với ông Martin, Ca đã làm giả 3 hợp đồng bằng cách:

Ca mang bản hợp đồng đã ký (hai bên) với Công ty Bỉm Sơn có chữ ký, đóng dấu của Công ty Bỉm Sơn ra một cửa hàng photocopy ở quận Hai Bà Trưng thuê nhân viên cửa hàng scan lại toàn bộ phần dấu, chữ ký của ông Nguyễn Như Khuê - Giám đốc Công ty Bỉm Sơn rồi copy vào USB. Sau đó, Ca tự soạn thảo một bản hợp đồng mua bán máy in phun khác (gọi là hợp đồng 3 bên), trong đó, Ca giữ nguyên các điều khoản trong hợp đồng nhưng thay đổi nội dung sau: Bổ sung thêm Công ty Neo vào phần bên bán: Về hình thức thanh toán, Ca thay nội dung: Công ty Bỉm Sơn có trách nhiệm thanh toán hợp đồng cho Công ty Thịnh Quang thành Công ty Bỉm Sơn có trách nhiệm thanh toán hợp đồng cho Công ty Neo vào tài khoản của Công ty Neo...

Sau khi hoàn tất bản hợp đồng 3 bên, Ca copy vào USB và ra cửa hàng photocopy tại 241 Minh Khai nhờ chủ cửa hàng ghép phần chữ ký, đóng dấu của ông Nguyễn Như Khuê (mà Ca đã scan lần trước) vào phần cuối hợp đồng để hoàn thiện thành một bản hợp đồng 3 bên hoàn chỉnh. Sau đó, Ca scan làm 7 bản và gửi 1 bản cho chị Trần Thị Ly, trợ lý của ông Martin để chị Ly dịch sang tiếng Anh và báo cho cáo ông Martin.

Dịch bản hợp đồng từ tiếng Việt sang tiếng Anh xong, chị Trần Thị Ly gửi bản hợp đồng tiếng Anh qua email cho Ca, Ca copy nội dung hợp đồng này vào USB rồi mang ra cửa hàng photocopy ở 241 Minh Khai nhờ nhân viên cửa hàng cắt, dán phần dấu đỏ, chữ ký của ông Nguyễn Như Khuê vào phần cuối bản hợp đồng tiếng Anh đó rồi scan ra làm 7 bản đưa cho chị Ly để chị chuyển cho ông  Martin ký, đóng dấu.

Ông Martin Hlavacek thấy 2 bản hợp đồng tiếng Việt và tiếng Anh có tên Công ty Neo tại bên bán, hình thức thanh toán vào tài khoản của Công ty Neo, phần dưới có dấu đỏ của Công ty Bỉm Sơn đúng như ông đã thỏa thuận với Ca nên đã ký vào bản hợp đồng 3 bên và thỏa thuận với Ca về việc chia lợi nhuận như sau: Giá bán 4 chiếc máy in phun Linx 6900 cho Công ty Bỉm Sơn là 38.000 USD (chưa thuế), Ca được giữ lại 5.000 USD lợi nhuận, phải thanh toán cho ông Martin là 33.000 USD. Ca đồng ý với thỏa thuận này.

Tiếp đó, ngày 21-2-2009, ông Martin Hlavacek ký hợp đồng mua 4 máy in phun Linx 6900 của Công ty TNHH Uflex (Ấn Độ) và thỏa thuận đơn vị nhận hàng là Công ty Thịnh Quang. 2 tháng sau, Công ty Thịnh Quang đã nhận được 4 chiếc máy này do Công ty Uflex chuyển đến tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Có hàng, Công ty Thịnh Quang đã chuyển ngay cho Công ty Bỉm Sơn và thanh lý hợp đồng với công ty này.

Sau khi Công ty Thịnh Quang chuyển 4 máy in phun cho Công ty Bỉm Sơn, chị Trần Thị Ly đã gọi điện đến Công ty Bỉm Sơn đề nghị thanh toán tiền mua máy vào tài khoản của Công ty Neo nhưng họ trả lời rằng họ không ký hợp đồng với Công ty Neo và sẽ chuyển tiền thanh toán cho Công ty Thịnh Quang theo hợp đồng. Phát hiện dấu hiệu bất thường, ông Martin Hlavacek và chị Ly đã gặp Ca yêu cầu giải thích thì Ca đề nghị ông Martin Hlavacek không liên lạc gì với Công ty Bỉm Sơn vì sợ mất khách hàng. Ca hứa khi nào Công ty Bỉm Sơn thanh toán sẽ trả đủ tiền cho Công ty Neo.

Thực hiện đúng hợp đồng, sau khi nhận máy, Công ty Bỉm Sơn đã thanh toán toàn bộ số tiền là 743,5 triệu đồng (tương đương 41.800 USD) bao gồm cả tiền thuế 10% vào tài khoản của Công ty Thịnh Quang tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển - Chi nhánh Đông Đô. Ca đã cử Nguyễn Thị Huế, nhân viên của Công ty Thịnh Quang đến Ngân hàng Đầu tư và phát triển - Chi nhánh Đông Đô rút toàn bộ số tiền trên nhưng không chuyển trả 33.000 USD ngay cho ông Martin Hlavacek như đã thỏa thuận mà một thời gian sau mới chuyển cho ông 300 triệu đồng (tương đương 16.500 USD) bằng ½ số tiền bán máy theo hợp đồng. Do Ca không thanh toán số tiền còn lại, nên ông Martin Hlavacek buộc lòng phải thuê Công ty Đòi nợ Dân An đến yêu cầu Ca trả tiền. Đến ngày 7-9-2009, Ca trả tiếp cho ông Martin Hlavacek 66 triệu đồng, tương đương 3.500 USD.

Sau nhiều lần đòi nợ nhưng Ca cố ý khất lần, ông Martin Hlavacek đã làm đơn đến cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội tố cáo hành vi lừa đảo của Dương Sơn Ca và buộc Ca phải thanh toán nốt số tiền đã chiếm đoạt là 13.000 USD. Trong quá trình điều tra vụ án, Ca đã thanh toán tiếp 3.500 USD cho ông Martin Hlavacek để khắc phục hậu quả, hiện vẫn còn chiếm đoạt 9.500 USD.

Tại bản Kết luận giám định só 174/PC21 ngày 29-1-2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội kết luận về bản hợp đồng 3 bên do ông Martin Hlavacek cung cấp như sau: Hình dấu tròn “Công ty xi măng Bỉm Sơn”, dấu chức danh “Giám đốc Nguyễn Như Khuê” và chữ ký mang tên Giám đốc Nguyễn Như Khuê dưới mục đại diện bên B ở góc dưới trang 3 của Hợp đồng mua máy in phun Linx 6900 ngày 20-1-2009 (tài liệu cần giám định) đều là giả và được làm bằng phương pháp in phun màu.

Lòng tham và sự lật lọng đã thể hiện rõ ngay từ khi ký kết hợp tác làm ăn, vậy mà trong những bản cung của mình, Ca nại ra rằng, Ca không có ý định chiếm đoạt tài sản của ông Martin Hlavacek nên sau khi nhận tiền vẫn trả cho ông một nửa, nửa còn lại dùng vào việc khảo sát, tìm hiểu thị trường và chi tiêu cá nhân. Khi nào có đủ tiền sẽ... trả tiếp.

Với hành vi gian dối trên, Dương Sơn Ca đã bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, khoản 3, điểm a BLHS. Phiên tòa sơ thẩm vụ án trên sẽ diễn ra vào cuối tháng 9-2010.

Hiền Phương