Lựa chọn tiêu dùng thời lạm phát

(ANTĐ) - Nhãn hàng riêng có mức giá rẻ không còn xa lạ với những khách hàng của các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như: BigC, Metro hay Co.op mart. Sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng đang là lựa chọn của không ít người tiêu dùng.
Giá rẻ bất ngờ
Kết quả khảo sát mới đây do tổ chức quốc tế thực hiện cho thấy, 61% người tiêu dùng trên thế giới lựa chọn nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ trong giai đoạn khó khăn. Một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khác lựa chọn dòng hàng này kể cả khi khó khăn đã qua đi. Còn tại Việt Nam, nhãn hàng riêng mang thương hiệu của nhà bán lẻ đang tràn ngập trên kệ hàng của các siêu thị lớn. Ví dụ, BigC có nhãn hàng riêng: Wow! Giá hấp dẫn, eBon và Casino. Metro có nhãn hàng: Aro, Quality, Heroa…

Nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhãn hàng riêng để tiết kiệm chi phí 
 Nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhãn hàng riêng để tiết kiệm chi phí

Bà Nguyễn Thị Thảo - Giám đốc Thu mua ngành hàng hóa mỹ phẩm, siêu thị BigC cho biết: “Nhãn hàng riêng của BigC có mặt ở khắp các ngành hàng: hóa mỹ phẩm, nước uống, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, ngành hàng cao cấp…”. Theo bà Thảo, sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng là lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam thời gian gần đây.

Bà Thảo cho biết, giá sản phẩm của nhãn hàng riêng rẻ hơn từ 15 - 35% so với những nhãn hiệu dẫn đầu trên thị trường hiện nay. Thậm chí, với nhãn “Wow! Giá hấp dẫn”, có sản phẩm rẻ hơn tới 70% so với sản phẩm cùng loại của nhãn hàng khác. “Giá rẻ khiến chúng tôi không thể tiến hành quảng cáo hay khuyến mãi cho khách hàng thêm được nữa” - bà Thảo nói!

Hiện tại, sản phẩm giấy là nhãn hàng riêng của BigC chiếm gần 30% số lượng hàng bán ra tại siêu thị; nước rửa chén chiếm 15-20% và nhóm sản phẩm bột giặt chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. 

Tương tự, mặt hàng dầu ăn thuộc nhãn hàng riêng của siêu thị Co.op mart cũng rẻ hơn nhiều so với các loại dầu ăn có thương hiệu trên thị trường. Vì giá thấp lại được trưng bày ở những vị trí dễ nhìn trong siêu thị nên không ít người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng.

Người tiêu dùng được hưởng lợi
Chị Nguyễn Thị Thục (Trung Hòa - Cầu Giấy) cho biết: “Tôi mới dùng nước rửa bát và giấy ăn, giấy vệ sinh là nhãn hàng riêng của BigC. Giá rẻ hơn rất nhiều và chưa thấy sản phẩm nào có “vấn đề” gì không thỏa đáng”. Chị Thục so sánh, cùng trọng lượng 400gam, gói bột giặt của thương hiệu dẫn đầu có giá hơn 15.000 đồng/gói, bột giặt Wow! giá 6.000 đồng/gói và bột giặt BigC giá 11.600 đồng/gói. Với khách hàng có thu nhập trung bình và khá, nhãn hàng “BigC” sẽ được lựa chọn. Người có thu nhập thấp hơn sẽ chọn “Wow! Giá hấp dẫn”. “Tất nhiên những sản phẩm thương hiệu và quen thuộc hàng đầu như: Omo, Tide… vẫn được yêu thích hơn nhưng giờ phải tiết giảm chi tiêu, lựa chọn sản phẩm giá thấp là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng. Ban đầu, tôi rất băn khoăn khi lựa chọn, bởi sản phẩm của nhãn hàng riêng mới lạ, hình thức chưa thực sự hấp dẫn và giá rẻ khiến khách hàng nghi ngại chất lượng. Nhưng dùng rồi thì thấy cũng như nhau” - chị Thục chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiêu dùng nhãn hàng riêng là xu thế đang phát triển khá mạnh trên thế giới. Người tiêu dùng thực sự hưởng lợi từ các nhãn hàng này, bởi mức giá đưa ra rất phải chăng. Phân tích trên góc độ kinh tế, chuyên gia này cho hay: “Với nhãn hàng riêng, nhà bán lẻ không mất chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm mà giới thiệu bằng pano, áp phích ngay tại siêu thị; Giảm chi phí khâu trung gian; giảm chi phí nhân lực, trang thiết bị… Tất cả chi phí tiết kiệm được này dành để giảm giá sản phẩm, đem lại mức giá cạnh tranh cho người tiêu dùng”. Tuy nhiên, về chất lượng hàng hóa thì cần có các cơ quan chuyên môn kiểm định, đánh giá mới có thể kết luận được.

Bên cạnh yếu tố giá cả hấp dẫn, các sản phẩm của nhãn hàng riêng cũng cần tuân theo quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ của các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế độc lập. Nhà sản xuất nào đạt tiêu chuẩn thì doanh nghiệp bán lẻ mới hợp tác sản xuất nhãn hàng riêng, vì sản phẩm này nếu không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp. Song, giữa bối cảnh thắt chặt chi tiêu thời lạm phát thì nhãn hàng riêng ra đời để đối trọng với các sản phẩm có cùng chất lượng, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn và buộc các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm khác phải cạnh tranh về giá. Và suy cho cùng, người tiêu dùng được hưởng lợi.