Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Lựa chọn mô hình bảo hiến phù hợp với thể chế chính trị

ANTĐ - Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, nên việc bảo vệ hiến pháp luôn là nhiệm vụ đặt ra cho mọi nhà nước. Tuy nhiên, mô hình bảo hiến ở các nước trên thế giới không giống nhau, mà tùy thuộc vào thể chế chính trị, điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội... của mỗi nước.

Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất bảo vệ Hiến pháp trước nhân dân

Trong mô hình bảo hiến phi tập trung, thẩm quyền thẩm tra tính hợp hiến không được trao cho một cơ quan nhà nước cụ thể, mà được trao cho tất cả các thẩm phán và tòa án (Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản...). Cơ chế bảo vệ hiến pháp của Hoa Kỳ là điển hình của mô hình bảo vệ hiến pháp phi tập trung. Sự phân chia quyền lực trong Hiến pháp Hoa Kỳ được thiết lập trên cơ sở phân chia ba nhánh quyền lực nền tảng và chế độ đối trọng (check and balance) để thực hiện cơ chế kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Học thuyết kiểm soát hiến pháp được hình thành ở Hoa Kỳ từ vụ án nổi tiếng Mabury Madison năm 1803 được xét xử bởi Chánh án John Marshall và theo ông thẩm quyền bảo vệ hiến pháp cần được thiết lập và trao cho các thẩm phán và tòa án.

Trong mô hình bảo hiến tập trung, thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến chỉ được trao cho một cơ quan nhà nước cụ thể. Đó có thể là tòa án hiến pháp, hội đồng hiến pháp hoặc một thiết chế chuyên trách khác được quy định trong Hiến pháp. Các nước Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ,... thành lập Tòa án Hiến pháp; các nước Pháp, An-giê-ri, Li-băng... thành lập Hội đồng Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ hiến pháp của Cộng hòa Pháp là điển hình của mô hình bảo vệ hiến pháp tập trung. Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionel) độc lập với nghị viện và đưa ra các quyết định có tính ràng buộc đối với các cơ quan và tòa án.

Ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba... nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan đảm nhiệm, mà trách nhiệm cao nhất thuộc về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát... (Điều 62 Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thực hiện các chức năng, quyền hạn sau đây: (1) Sửa đổi Hiến pháp; (2) Giám sát thực thi Hiến pháp...”; Điều 67 Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “(1) Giải thích Hiến pháp, giám sát thực thi Hiến pháp...”). 

Sở dĩ các nước trên thế giới sử dụng các mô hình bảo hiến khác nhau, vì theo học thuyết Mác-Lênin về các hình thái kinh tế - xã hội: mỗi hình thái kinh tế - xã hội tương ứng với chế độ kinh tế của nó, có một kiểu nhà nước, hiến pháp, pháp luật nhất định. 

Các nước theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa sử dụng mô hình bảo hiến tập trung hay phi tập trung đều là những nước có chế độ đa nguyên, đa đảng. Ở các nước này, hiến pháp và hệ thống chính trị được xây dựng theo các nguyên tắc đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, dẫn đến tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị rất căng thẳng và quyết liệt, như gian lận bầu cử hoặc tố cáo nhau gian lận trong bầu cử; không chấp nhận thất bại, dùng các biện pháp cực đoan để gây sức ép về chính trị, tiến hành đảo chính... Cho nên, các nước đó phải sử dụng “trọng tài” là tòa án hiến pháp hoặc hội đồng hiến pháp... để phân xử, giải quyết các mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền với các đảng đối lập, tạo cơ chế “kìm hãm”, “đối trọng”.

Tôi cho rằng, chúng ta không thể máy móc lấy lý thuyết và thực tiễn bảo vệ hiến pháp của các nước nói trên để áp dụng cho Việt Nam, bởi vì các nước đó có hoàn cảnh lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khác xa với Việt Nam. 

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo ra những thay đổi vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thẩm quyền bảo vệ hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan đảm nhiệm, song những năm qua,  nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp được thực hiện có hiệu quả, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại theo mô hình bảo vệ hiến pháp của các nước khác ta về thể chế chính trị, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trong khi cơ chế bảo vệ Hiến pháp của chúng ta đang vận hành tốt và có hiệu quả, chỉ cần hoàn thiện để thực hiện tốt hơn...

Từ sự phân tích trên, tôi đồng tình với quan điểm tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp, không cần quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.