Lựa chọn cao - thấp

ANTĐ - Tại cuộc hội thảo tham vấn cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu là các tổ chức quốc tế, đại sứ một số nước tại Việt Nam đã đưa ra ý kiến khuyến nghị nước ta nên chọn kịch bản tăng trưởng thấp. Như vậy sẽ phù hợp với mục tiêu đặt ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.

Xuất phát từ dự báo tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng thấp, đặc biệt là tình trạng khủng hoảng nợ công cũng chưa có “thuốc đặc trị”… có tác động xấu đến kinh tế nước ta, nhất là lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản để lựa chọn. Kịch bản tăng trưởng thấp, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm 2011-2015 vào khoảng 6,5%. Kịch bản tăng trưởng cao đặt trong bối cảnh những năm sau, khi những khó khăn của những nước phát triển như vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách được cải thiện; ở trong nước, lạm phát được kiềm chế, đổi mới được mô hình tăng trưởng và bước đầu tái cơ cấu nền kinh tế; theo kịch bản này, dự kiến mức tăng trưởng GDP từ năm 2013-2015 sẽ vào khoảng 7%. Giữa hai con số tăng trưởng 6,5% và 7%, thoạt nhìn về mặt số học có lẽ chẳng có gì chênh lệch quá lớn, thế nhưng về mặt kinh tế lại có độ cao - thấp đáng cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Chung quan điểm với nhiều đại biểu trong hội thảo, đại diện của Ngân hàng Thế giới thẳng thắn khuyến nghị Việt Nam nên chọn kịch bản tăng trưởng thấp với dự báo GDP đạt khoảng 6,5%. Lý do là vì tăng trưởng thực tế của Việt Nam gần đây đã vượt ngưỡng tiềm năng, cụ thể là cao hơn khoảng 1,7 điểm phần trăm. Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, đây là nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua quá “nóng” và lạm phát luôn tăng cao.

Đại diện một đại sứ quán cũng đồng tình nhận định rằng, Việt Nam cần đánh giá thấu đáo bài học trong điều hành kinh tế vĩ mô 5 năm trước (2006-2010), để rút ra kinh nghiệm khi xây dựng mục tiêu và giải pháp cho kế hoạch 5 năm tới. Cụ thể là nên chú trọng đến những hạn chế của nền kinh tế và động lực tăng trưởng, xây dựng cho được niềm tin của người dân vào đồng nội tệ trong bối cảnh hiện nay. Hơn thế, Việt Nam cần quan tâm nâng thêm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với tính ổn định của nền kinh tế.

Giải pháp căn cơ để chống lạm phát và giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững là phải giảm tỷ lệ đầu tư trên GDP, tái cấu trúc kinh tế và cải cách thể chế. Một số ý kiến của các chuyên gia nhấn mạnh phải cắt giảm cả thu lẫn chi ngân sách. Chỉ có giảm thu ngân sách, bớt gánh nặng về thuế cho người dân và doanh nghiệp thì mới tạo sức ép để giảm chi. Trong 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất, nhưng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP thì cao nhất và cung tiền cũng lớn nhất. Vì vậy cần cải cách đầu tư công nhằm giải quyết tận gốc lãng phí và làm tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn. Đặc biệt, phải phân bổ nguồn lực hợp lý, bằng cách tạo ra cơ chế để thị trường tự điều chỉnh, sao cho nguồn lực quốc gia được “rót” vào những “địa chỉ” có khả năng phát huy tốt nhất, thay vì can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Việc lựa chọn tăng trưởng kinh tế cao hay thấp là quyết định của Quốc hội và Chính phủ. Mọi ý kiến chỉ là tham khảo, tham vấn nhưng rất thiết thực và hữu ích để chọn ra một mức tăng trưởng hợp lý, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vừa đảm bảo an sinh xã hội. Đó mới là sự lựa chọn tối ưu chứ không phải là chỉ tiêu pháp lệnh theo chủ quan.