Lúa chín đầy đồng, nông dân vẫn lỗ

ANTĐ - Chiều qua, 12-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH. Trả lời khá suôn sẻ các câu hỏi, song nhiều ĐBQH cho rằng Bộ trưởng cần đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn.

Giá rớt, nông dân khổ

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) hỏi: “Chăn nuôi suy giảm, người nông dân điêu đứng, Bộ trưởng có giải pháp nào giúp nông dân?”. Cùng mối quan tâm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) lên tiếng: “Nông nghiệp đang rất khó khăn, nông dân đang lỗ kép, doanh thu giảm nghiêm trọng, Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để giúp nông dân thoát nghèo?”. 

Chia sẻ khó khăn với nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Bộ đã thực hiện quyết liệt đồng bộ 3 nhóm biện pháp cùng với cơ cấu lại ngành chăn nuôi, giải quyết những khó khăn hiện tại, hướng tới hiệu quả cao hơn, giảm giá thành chăn nuôi và nông dân có lãi”. Về giải pháp đột phá cứu nông dân, Bộ trưởng nói sẽ khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bộ trưởng quả quyết: “Chỉ có như vậy mới giải quyết căn cơ các tồn tại của ngành”. Ông cũng nhìn thẳng vào sự thật: “Lúa đang chín đầy đồng, cá, thịt, hoa quả… cũng rất nhiều nhưng giá xuống nên thu nhập nông dân giảm nghiêm trọng. Chính phủ đã nhìn ra thực tế này nên quyết định mua 1 triệu tấn quy gạo để giữ giá, giúp nông dân. Sau khi có động thái này, giá lúa có tăng nhẹ. Chính phủ cũng hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ nông sản. Đó chỉ là trước mắt, còn giải pháp lâu dài nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Chưa hài lòng, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vấn: “Chất lượng nông sản thấp, hàng ứ đọng, khó tiêu thụ, được mùa rớt giá, dân mãi vẫn khó thoát nghèo, nguyên nhân ở đâu?”. Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Đúng là nông nghiệp mới phát triển mạnh mẽ về số lượng nhưng một số mặt hàng chất lượng thua kém với những nước lân cận, chỉ ở mức trung bình khá. Do đó, việc nâng cao chất lượng nông sản là nhiệm vụ chính của ngành trong thời gian tới…”.  

Không lẽ dân ta phải mua hàng giả mãi?

Bức xúc thay cho người nông dân khi liên tục mua phải vật tư nông nghiệp giả, ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai) hỏi: “Phân bón kém chất lượng nhưng đưa lên trung tâm kiểm định lại bảo đủ, trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói ngay: “Đơn vị kiểm định này không thuộc Bộ NN&PTNT, có lẽ thuộc Bộ KH-CN. Các đơn vị  thuộc Bộ NN&PTNT phải làm đúng pháp luật, có sai phạm sẽ xử lý nghiêm”. Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân giải trình: “Kiểm tra chất lượng phân bón thuộc trách nhiệm Bộ KH-CN. Trung tâm kiểm định mà ĐB nêu đã được đầu tư đảm bảo đủ năng lực kiểm định chất lượng song ở sự việc này, có 2 tình huống. Doanh nghiệp đưa mẫu đăng ký chất lượng và mẫu kiểm định khác nhau. Thứ hai, mẫu do cơ quan chức năng lấy kiểm tra và mẫu ở doanh nghiệp là khác nhau”. Bộ trưởng nói thêm là chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ răn đe nên nhiều người tiếp tục tái phạm mà chẳng e dè... Tới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo lắng: “Nghe vậy thật đáng lo, mong Bộ trưởng có đề án nâng cao năng lực kiểm tra của cơ quan chức năng. Không làm rõ được sai đúng, giả hay thật thì chẳng nhẽ dân ta phải dùng hàng giả mãi hay sao?”. 

Phản ánh tình trạng hàng nghìn hécta lúa lép, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn: “Giống kém, lúa lép, người dân chịu thiệt hại nặng, Bộ giải quyết như thế nào?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát phân trần: “Giống này chất lượng khá cao, gạo ngon nhưng cũng có hàng nghìn hécta lúa lép do nhiều nguyên nhân. Có thể do thời tiết, nên lúa bị lép. Ở Vĩnh Phúc có người nói là do giống kém, chúng tôi đã rà soát lại nhưng không phải. Đây là thiệt hại do thiên tai gây ra và chúng tôi đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân”. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Chính phủ cũng hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ nông sản. Đó chỉ là trước mắt, còn giải pháp lâu dài nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

“Tôi mong Bộ trưởng mạnh mẽ hơn”

Không tái chất vấn, ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ đưa ra đề nghị: “Qua trả lời, tôi thấy giải pháp của Bộ trưởng còn hiền quá. Các ngành khác khi gặp khó khăn thì hội thảo, hội nghị liên tục, rồi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đưa ra giải pháp tháo gỡ. Thế nhưng ngành nông nghiệp chẳng thấy gì trong khi nông dân thì khó khăn quá. Tôi mong Bộ trưởng mạnh mẽ hơn, đưa ra những giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn để giúp người nông dân…”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cảm ơn tình cảm ĐB Trần Hoàng Ngân dành cho ngành nông nghiệp, ông vắn tắt: “Tôi rất cảm kích”.

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang): Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân là hợp lý
“Khi trả lời chất vấn của ĐBQH, tôi thấy Bộ trưởng đưa ra một giải pháp cơ cấu nông nghiệp rất hợp lý và tôi mong muốn Bộ trưởng sẽ tiếp tục sát sao để triển khai đúng những giải pháp mà mình đã đưa ra trước Quốc hội. Tuy nhiên, theo tôi, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền là không hợp lý. Bởi lẽ, đối với vùng dân tộc miền núi, bà con thường ở xa trung tâm, nên mua phân bón và giống cây trồng khó khăn, bà con cũng không thể biết được loại phân bón nào là đúng chất lượng, loại giống nào là tốt, nên Bộ trưởng cần có phương án hỗ trợ trực tiếp giống, phân bón cho bà con là hợp lý”.


ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Triển khai phải trọng tâm
“Bộ trưởng đã trả lời và đưa ra khá nhiều các giải pháp cho nông nghiệp, tuy nhiên, trọng tâm thì chưa đến. Ví dụ: Giải pháp để làm thế nào cho người nông dân chuyên về sản xuất lúa, đảm bảo cho nông dân lãi 30%, mỗi một kỳ chúng ta mua 1 triệu tấn gạo để giúp nông dân, nhưng người nông dân thực sự được hưởng lợi từ chủ trương, giải pháp này lại chưa nhiều. 

Theo tôi, muốn giải quyết được vấn đề này thì không chỉ riêng ngành nông nghiệp làm được, mà cần có sự phối hợp của các bộ - ngành và sự điều hành của Chính phủ, các giải pháp phải được triển khai một cách trọng tâm”.

Trong hôm nay 13-6 và ngày mai 14-6, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH. Dự kiến trước khi khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 14-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo làm rõ thêm vấn đề các ĐBQH và cử tri quan tâm. Phó Thủ tướng cũng sẽ trả lời các chất vấn trực tiếp của ĐBQH tại hội trường. Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ cũng có thể tham gia giải trình thêm về các vấn đề được ĐBQH nêu.