Lũ lịch sử chưa rút, miền Trung lo đối phó siêu bão Sarika

ANTD.VN - Lũ lớn những ngày qua tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã làm 29 người chết và mất tích. Trong khi đó, siêu bão Sarika đã tràn qua đảo Luzon (Philippines) vào Biển Đông, dự kiến sẽ tiếp tục đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.

Lũ lịch sử chưa rút, miền Trung lo đối phó siêu bão Sarika ảnh 1

Nhiều nơi của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn chìm trong nước lũ

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho hay, ngày 16-10, mưa lớn tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đã ngớt, nước lũ bắt đầu rút nhưng nhiều nơi vẫn còn cô lập. Tại Quảng Bình, nơi hứng trận mưa lớn nhất trong lịch sử quan trắc, có 21 người chết, 8 người mất tích và 18 người bị thương, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình.

Toàn vùng có 98.000 ngôi nhà còn ngập, tập trung ở Quảng Bình với hơn 71.000; Hà Tĩnh 24.000; Nghệ An 2.800. Diện tích hoa màu bị ngập ở 3 tỉnh trên là hơn 9.000 ha. Hệ thống giao thông, thủy lợi và các đầm hồ thủy sản cũng bị thiệt hại rất nhiều, hiện chưa kể thống kê hết do nước còn ngập. Tỉnh Nghệ An cũng đã phải hoãn việc xả lũ từ hồ Vực Mấu- một hồ lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các hồ thủy lợn ở miền Trung đã đầy nước, trong đó các hồ lớn đã đạt 7-80% dung tích thiết kế. Lượng nước tại các hồ vẫn tiếp tục tăng lên rất nhanh, do nước từ thượng nguồn đổ về lớn. Vì vậy, nguy cơ rủi ro về an toàn hồ chứa do ảnh hưởng của mưa, lũ sau bão số 7 là rất lớn.

Tại rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai chiều 16-10, đại diện tỉnh này cho hay, nhiều hộ dân nước vẫn ngập tới nóc nhà, UBND xã cũng vẫn mênh mông nước. Quảng Bình hiện vẫn còn hơn 20.000 hộ dân vẫn bị ngập và hơn 1.000 hộ bị ngập sâu từ 1-2m nước.

Tỉnh Quảng Bình đã dừng toàn bộ các hội nghị, công việc khác để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ và bão số 7. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và hàng chục phương tiện đã đến các vùng ngập lụt nặng để sơ tán dân, cứu trợ mì tôm, nước uống cho nhân dân. Để khắc phục hậu quả thiên tại, trong lúc nguồn lực của địa phương còn rất hạn chế, lại vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tỉnh Quảng Bình kính đề nghị Chính phủ hỗ trợ cứu đói 5.000 tấn gạo, 250 tỷ đồng, giống các loại cây trồng, thuốc xử lý môi trường và nước sinh hoạt…Đêm 15-10, tại tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn họp bàn và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt trong những ngày sắp tới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão, khắc phục hậu quả lũ lụt với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân

Trong khi các tỉnh miền Trung đang căng mình chống chọi với lũ lịch sử thì bão Sarika đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) tràn vào Biển Đông trở thành cơn bão số 7 trong năm 2016. Đáng nói, bão Sarika khi vào Biển Đông đã bất ngờ mạnh thêm 2 cấp. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm  Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão Sakira dự kiến ngày 19-10 sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ, sau đó yếu đi từ 1-2 cấp, ở cấp 12- 13, và còn khả năng sẽ giảm tiếp 1-2 cấp nữa trước khi đổ bộ vào đất liền.

Theo đó, khu vực từ Đông Bắc tới Bắc Trung bộ sẵn sàng cho 2 khả năng bão số 7 đổ bộ: Trong đó khả năng thứ 1, bão đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ vào Bắc Trung bộ hoặc Đông bắc bộ, hoặc có thể lệch xuống phía Nam. Như vậy, vùng từ Hải Phòng tới Quảng Bình có thể nằm trong vùng đổ bộ của bão Sarika. Nguy hiểm của bão số 7 là vùng gió mạnh hoạt động rất rộng, và rất mạnh khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa có cường độ 14-17 tương đương bão Haiyan.

Nhận định về mưa do bão số 7, ông Hoàng Đức Cường thông tin, do bão Sarika di chuyển nhanh, đổ bộ nhanh nên có lượng mưa không lớn, lượng mưa được dự báo thấp hơn nhiều so với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua tại các tỉnh miền Trung. Dự báo ở thời điểm này, mưa lớn tập trung ở vùng Nghệ An trở ra Đồng bằng Bắc bộ, khu vực Hà Tĩnh- Quảng Bình được dự báo cũng có mưa nhưng lượng ít hơn. Đáng lo ngại, từ ngày 19 đến 22-10 là thời điểm triều cường lớn nhất trong năm tại các tỉnh miền Trung. Nước biển có thể dâng 2m, sóng biển cao 5-6 m và ngoài khơi từ 10-14 m.

“Sakira là cơn bão rất nguy hiểm, mạnh nhất trong 10 năm gần đây trên biển có thể ảnh hưởng tới đất liền. Bão Sơn Tinh năm 2012 cũng có cấp gió 10-12 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tỉnh ven biển, cơn bão Sarika hy vọng đi thẳng vào bờ biển sẽ bớt ảnh hưởng hơn bão Sơn Tinh”, ông Hoàng Đức Cường nói.

Ngoài ra, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đang theo dõi một cơn rất mạnh có khả năng đạt cấp siêu bão có tên là Hải Mã đang ở ngoài khơi Philippines. Sau khi bão số 7 đổ bộ xong thì cơn bão Hải Mã sẽ nối gót vào biển Đông.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, dự báo không những bão sẽ đi vào nước ta mà còn có vùng ảnh hưởng rất lớn. “Đây là cơn bão cực lớn, phạm vi vùng ảnh hưởng nguy hiểm rất rộng, từ Khánh Hòa tới Quảng Ninh nên các địa phương cần lưu ý. Đồng thời đây cũng là mùa chịu tác động của gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam hoạt động rất mạnh”, ông Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, và kiến nghị các địa phương, bộ ngành thực hiện tốt nhất các khâu cảnh báo, hỗ trợ, trước trong và sau bão.

Chỉ đạo tại cuộc họp chiều 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, cùng với áp thấp nhiệt đới vừa đổ bộ, cùng với bão số 7 đang tiến vào đất liền, rồi bão Hải Mã đang ngấp nghé Biển Đông tạo thành một tổ hợp thiên tai vô cùng huy hiểm. Để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục khắc phục hậu quả của đợt lũ vừa qua, tập trung tìm kiếm những người còn mất tích.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần nhanh chóng gia cố, bảo vệ các công trình quan trọng, xung yếu, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện lực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra an toàn hồ chứa, tổ chức vận hành, đảm bảo an toàn hồ chứa, vận hành phù hợp để hồ chứa tích nước được đảm bảo hiện quả kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn cho hạ du.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến, cung cấp kịp thời đầy đủ thông tin để chủ động ứng phó, phòng tránh bão.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những ngày qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã phát huy rất tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng nâng cao ý thức người dân, đồng thời thông tin đầy đủ, đa dạng về diễn biến của mưa lũ, thiệt hại của người dân. Theo Phó Thủ tướng, những thông tin của báo chí cũng đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ, các Bộ, ngành rất nhiều trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai. Trong những ngày tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các cơ quan báo chí cần vào cuộc tích cực hơn nữa, bám sát mọi diễn biến của bão để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân chủ động phòng tránh bão một cách hiệu quả.