Lớp học đặc biệt của người đặc biệt

ANTĐ - Ngày đi làm việc ở ủy ban xã, tối về nhà vứt vội chiếc cặp rồi lao vào dạy phụ đạo cho các em học sinh cấp 1, cấp 2 trong làng xã nhưng không hề lấy một đồng tiền công. 

Thầy Học kèm cặp, chỉ bảo tận tình cho các em học sinh thân yêu. Ảnh: Nguyễn Hải

Điều đặc biệt là anh có đủ kiến thức để truyền đạt tất cả các môn từ Toán - Lý - Hóa - Văn... Lớp học đầu tiên xuất phát từ khóa học 6 em, rồi 10, 20... đến hàng trăm em học sinh trong xã lần lượt tìm đến anh để học bài. Đến nay đã tròn 4 năm tình nguyện "lái đò" không công, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"... Người đặc biệt đó chính là anh Nguyễn Viết Học (1963) ở xã Tân Long, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), hiện đang là cán bộ địa chính kiêm Chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Long.

Lớp học của bác Học

Một ngày mùa đông tôi về công tác tại huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), hôm đang rong ruổi ở một làng quê tình cờ bắt gặp đám trẻ quây quần chừng hơn 10 cháu đang cầm sách bút chăm chú học và bàn luận với nhau. Tò mò tiến lại gần, tôi không khỏi ngạc nhiên khi các em bảo đang học bài để tối nay đến lớp bác Học còn kiểm tra.

Thoạt đầu tôi nghĩ các cháu học thêm tại nhà giáo viên trong trường, tôi hỏi: Ở nông thôn mình các cháu đi học thêm ban đêm như thế có tốn kém không? Một cháu trai đứng gần tôi, nước da ngăm, cười vui nhanh nhảu đáp:  "Chúng cháu đi học thêm có mất tiền đâu. Bác Học người làm cán bộ xã dạy thêm cho tụi cháu đó. Chú là khách ở đâu mới đến đây chú không biết à?". Tôi gật đầu nhưng lại hỏi thêm: "Thế bác Học dạy lâu chưa? Tôi hỏi. Cháu bé đáp sành sỏi: "Bác Học dạy lâu lắm rồi. Rồi cháu hỏi tiếp tôi: "Thế chú có muốn học thêm với bác Học không cháu bày địa chỉ chú đến, không tốn tiền đâu? Rồi các em còn dặn thêm tôi, chú muốn gặp bác Học tại nhà thì phải vào ban đêm, còn ban ngày thì bác học đi làm việc ở Ủy ban. 

Theo sự chỉ dẫn của các cháu học sinh, không khó khăn gì để tôi tìm được tới nhà bác Học ở xóm Tân Lập, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của vợ chồng bác Học nằm khuất sau làng. Cuộc trò chuyện với bác Học vào một buổi tối trời mùa đông miền núi xứ Nghệ tôi như bị cuốn vào những lời nói nhẹ nhàng. Nguyễn Viết Học (SN 1963), quê gốc tại Tuyên Hóa (Quảng Bình). Từ ngày ngồi trên ghế nhà trường chàng trai Nguyễn Viết Học đã tố chất thông minh, học giỏi phụ giúp gia đình. Năm 1980 Nguyễn Viết Học thi đỗ vào Đại học Thông tin liên lạc. Năm 1981 vì điều kiện gia đình khó khăn anh không theo học tiếp đại học mà xung phong lên đường đi làm nhiệm vụ. Nguyễn Viết Học vào đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng quân ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) 4 năm. Năm 1984, Nguyễn Viết Học xuất ngũ về quê xây dựng gia đình. Sau đó anh được kết nạp Đảng viên rồi hăng hái tham gia vào công tác xã hội, năm 1988 anh bắt đầu vào làm việc ở văn phòng Ủy ban xã...

Thế rồi cái nghề giáo dạy phụ đạo cho các em học sinh trong cũng tình cờ, anh kể: "Cách đây 4 năm (năm 2008) một lần ngồi chơi với mấy cháu học sinh cấp 2 trong làng, tôi mới đem kiến thức của các cháu đang học ra để hỏi thử xem trình độ các cháu thế nào thì thấy các cháu còn hổng kiến thức quá. Mà cứ mỗi năm tỷ lệ các cháu trong làng xã thi trượt vào cấp 3 khá nhiều, không được đi học cấp 3 các cháu phải dạt vào Nam, ra Bắc đi làm thuê kiếm sống, một số cháu ở nhà dễ hư hỏng sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nghĩ vậy nên tôi nghĩ ngay ra ý tưởng, chắc kiến thức của mình còn khá hơn các cháu thì mình dành một ít thời gian phụ đạo thêm cho các cháu được phần nào hay phần đó”.

Truyền lửa

Lớp học ban đầu gặp muôn vàn khó khăn, trước hết là việc đi vận động các gia đình cho con em đi học. Nhưng không quản ngại, anh Học quyết định tới từng hộ gia đình trong xã vận động bố mẹ các cháu trình bày tâm nguyện của mình để cho con em tới học thêm do mình phụ đạo. Ban đầu nhiều phụ huynh tỏ ra bất ngờ vì không nghĩ anh Học chưa qua lớp sư phạm nào mà lại có đủ kiến thức để giảng cho các cháu, mà lại là giảng không công. Rồi lớp học đầu tiên của anh Học vỏn vẹn chỉ 6 em đang là học sinh lớp 8, lớp 9 có lực học yếu trong trường.

Các em của lớp học đầu tiên rất bỡ ngỡ về cách phụ đạo của anh Học, cơ vật chất cũng thiếu thốn, anh Học cùng với 6 em học sinh quây quần trên một bộ bàn ghế cũ kỹ của gia đình dùng để sinh hoạt và tiếp khách hàng ngày.

"Tôi còn nhớ như in kỷ niệm lớp học những ngày đầu các cháu còn bỡ ngỡ chưa quen, nên tôi đã cố gắng hết sức để cùng hòa nhập, tìm hiểu được những điểm yếu về từng môn của các cháu để kèm cặp. Sau một vài tuần theo dõi lực học của các cháu tại nhà trường thì thấy các cháu tiến bộ rõ rệt, kiến thức nắm vững hơn, các cháu cũng tâm sự rằng những kiến thức của mình truyền thụ rất dễ hiểu nên tôi vui lắm vì ý tưởng và công sức của mình bỏ ra đã thu được kết quả...", anh Học nhớ lại. Rồi từ câu chuyện 6 em học sinh từ lực học yếu, được anh Học phụ đạo đã lần lượt thi đỗ vào cấp 3 với số điểm cao nên bà con làng xóm bắt đầu bàn tán xôn xao về năng lực của anh Học. Đến nay cả 6 em trong lớp học đầu tiên của anh học phụ đạo đều đang theo học tại các trường đại học. Nhiều phụ huynh trong làng xã, thậm chí ở các xã lân cận như Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái cũng tìm tới nhờ thầy Học kèm dạy cho các em. Lần lượt các em cắp sách tới nhà, số lượng quá tải nên anh Học bắt đầu phải phân lớp và phân theo lực học về các bộ môn của từng em để tiện phụ đạo. Đã 4 năm nay, đều đặn cứ 19h tối là lại có khoảng 30 -40 em học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 tập trung tại ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh để học. Thiếu chỗ ngồi cho các em, anh Học chạy đi đặt thợ mộc trong làng đóng được hơn 10 bộ bàn ghế học sinh, một cái bảng đen. Bất kể mưa gió, buổi học sẽ kéo dài tới 22 giờ đêm, có hôm thầy trò hăng say quá nên học tới gần sang canh. Khuya quá, nhiều cháu ở xa sợ các cháu về trời tối thì anh Học lại bấm đèn pin đi từ đầu làng đến cuối làng túc trực dẫn các em về tận gia đình.

Điều đặc biệt mà tất cả các em học sinh, phụ huynh ở làng xã đây phải thán phục đó là anh Học dậy được tất cả các môn: Toán - Lý - Hóa - Văn - Sử... bất kể em nào hụt về kiến thức môn nào là anh lại kèm riêng cho môn đó cho tới khi nắm vững kiến thức mới thôi.

Khi tôi đề cập tới việc đã không ít người hoài nghi và thắc mắc tại sao bác Học lại có kiến thức đa năng như vậy? Anh Học cười: 

"Tất cả kiến thức này đều do tôi tự mày mò, ôn lại những kiến thức của mình đã học ngày xưa, nghiên cứu thêm chương trình cải cách của các bậc học hiện nay. Nói thật tôi cũng không có thời gian để soạn giáo án như thầy cô giáo ở trường mà chỉ truyền cho các em những cái còn khúc mắc. Việc truyền đạt kiến thức đến các em phải có sự sáng tạo và chọn lọc vì mình không có nhiều thời gian gần các em như thầy cô. Tôi luôn tìm cách "truyền lửa" tạo ra những hứng thú cho tất cả các em hăng say học bài, kể cả những em cá biệt ở trường đến đây học đều chăm chú...".

Ngoài truyền đạt kiến thức chuyên môn, vào đầu giờ học và giải lao anh Học lại còn kể những câu chuyện về lễ - hiếu, đối nhân xử thế trong gia đình để các em ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có lễ phép đạo đức. Anh Học luôn tâm niệm con người dù có tài thì phải có đức nếu không sẽ không giúp ích được gì cho xã hội.


Tâm nguyện của người "lái đò"

4 năm nay "lái đò" không công, kèm cặp phụ đạo được gần 10 lớp học với gần 400 em học sinh ở các bậc học có thêm kiến thức, nhiều em từ lực học yếu ở trường, đã vươn lên học khá giỏi. Tỷ lệ học sinh ở xã Tân Long thi đỗ vào các trường cấp chuyên nghiệp đã cao hơn hẳn những năm trước. Đặc biệt nhất có em Phạm Thị Thảo, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) năm 2011 em học lớp 9 thì được thầy Học phụ đạo cho môn Văn nay em đã đậu vào lớp chuyên Văn 10C3 trường chuyên Phan Bội Châu ở thành phố Vinh (Nghệ An). Chị Chu Thị Lan (mẹ cháu Thảo): "Nhờ công của bác Học phụ đạo cho cháu những kiến thức chuyên sâu mà cháu đã thi đỗ được vào trường chuyên, gia đình tôi biết ơn bác Học lắm. Mong bác luôn khỏe để mở thêm nhiều lớp học hơn nữa".

Không chỉ dốc hết tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các cháu, mà để các cháu có động lực học tập, anh Học còn bỏ tiền túi ra để làm quỹ lớp thưởng cho những cháu có kết quả học tập tốt. Nhiều em có hoàn cảnh trong xã đặc biệt khó khăn, bác Học lại đến tận gia đình động viên tinh thần, thăm nom. Mặc dù kinh tế hiện tại của đình đình anh Học không có gì là khấm khá, anh hiện đang làm cán bộ địa chính kiêm chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Long, đồng lương ít ỏi, ngày đi làm ở xã, đêm về lao vào dạy thêm cho các cháu.

Còn vợ anh là chị Giản Thị Thủy vốn là công nhân nông trường về hưu, ngày ngày vẫn lầm lũi lo mấy sào đất lúa và bầy lợn gà tăng gia sản xuất kiếm thêm thu nhập để nuôi 2 người con đang học đại học. Nhưng đã 4 năm qua anh Học chưa một lần có ý định thôi việc dạy thêm cho các cháu "Còn sức lực và trí tuệ thì tôi cứ tiếp tục truyền đạt cho các cháu. Chỉ mong giúp các cháu có thêm kiến thức sau này trưởng thành, không thất học là tôi vui lắm. Việc làm của tôi chỉ là phần nhỏ, tôi chỉ mong sao xã hội có nhiều hơn nữa những tấm gương người tốt việc tốt hơn nữa", anh Học tâm sự. Còn chị Thủy vợ anh thì tâm sự: "Có hôm tôi bận việc đồng áng quá, không kịp nấu cơm đúng giờ thì anh lại nhịn cơm tối để lên lớp với các cháu. Mãi tới khuya công việc dạy học xong thì anh mới lụi cụi đi ăn cơm tối, nhiều hôm anh miệt mài quá tôi cứ sợ anh đổ bệnh”.
Tôi chia tay anh Học lúc 22 giờ đêm, căn phòng học trong chính ngôi nhà anh gần 40 cháu học sinh đã xong buổi học, bắt đầu tay xách nách mang đèn pin ra về. Tôi mường tưởng đây chẳng khác gì một ngôi trường đích thực. Thế nhưng ngôi trường này lại chỉ duy nhất có một người thầy. Mong sao anh có thêm sức khỏe để truyền thêm được nhiều kiến thức hơn nữa cho các em, các cháu ở vùng quê còn khó khăn.