Lòng vị tha vô bờ của người vợ bị chồng thiêu sống

ANTĐ - Mặc dầu cơ thể phải chịu trên 60% thương tích và đau đớn do hành động dùng xăng thiêu sống của người chồng; nhưng 2 lần ra toà, cả 2 lần chị Nguyễn Thị Yến vẫn một mực xin tòa giảm án.

Tòa cho phép chị ngồi, nhưng chị vẫn cố bấu chặt lấy thành bàn, gượng đứng lên trên đôi chân sưng phồng, bỏng rát chỉ đề nói một câu: “xin tòa thương mà giảm án cho chồng tôi”. Chị vừa dứt lời, trên vành mong ngựa, hắn đổ òa nước mắt. Nước mắt của hắn ướt đẫm vai áo, nước mắt của hắn trơn trượt bàn tay khi hắn cố bám vào vành móng ngựa để cơ thể khỏi đổ sụp. Giá như, nước mắt ấy chực trào sớm hơn để có thể làm nguội lạnh được cơn cuồng giận, dập tắt đi ngọn lửa độc ác đã cướp đi con bé út chỉ còn 1 tháng nữa nó tròn 6 tuổi. Giá như, hắn không để lại cho chị, một người đàn bà hiền lành, một lòng vì chồng vì con đang tiều tụy nỗi đau quặn thắt cả tinh thần và thể xác... Giữa tòa, hắn nấc lên... “vợ, con ơi”...!

“Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”!

Những người đàn bà miền biển miền Trung thường hay có câu ví von: “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, trong đó cũng không loại trừ cả Yến. Cái ngày cô nuôi dạy trẻ Nguyễn Thị Yến theo anh ngư dân Phú Lên về ra mắt nhà chồng tương lai, cũng là lần đầu tiên Yến được mẹ chồng thủ thỉ chuyện lấy chồng nghề biển của bà. Rồi bà bảo, “Thằng Lên trông nó hiền lành là vậy chứ chịu lấy nó rồi mày cũng như cái cột buồm đơn độc lèo lái con thuyền thôi con à. Tính nó cũng như biển, hiền thì hiền thật đó, nhưng cũng đôi khi ầm ào, gào thét như bão như giông. Nhưng thế rồi lại thôi”...

Yến cũng biết tính Lên là như vậy mà!. Lên không có dáng vẻ vai u thịt bắp, giọng không nói sang sảng, bỗ bã át cả tiếng sóng như nhiều gã ngư dân vẫn thường tạt qua lớp giữ trẻ gần cảng cá Thuận Phước trêu ghẹo Yến mỗi khi thuyền cập bờ. Lên hơi gầy, da đen sạm vì nắng gió cộng thêm cái “vị” chát chát, mằn mặn của biển trong giọng nói của Lên lại càng khiến Yến ít “để mắt” đến. Nhưng, sau cái lần tình cờ đi ngang qua con hẻm, gã ngư dân Phú Lên sốt sắng giúp Yến lợp lại mái tôn của lớp giữ trẻ đã bị bão thổi tốc, quăng quật thì không hiểu sao Yến lại thấy mình có một cảm giác nao nao, nhớ nhớ mỗi khi ra cảng cá ngóng tàu về...

Thế rồi từ đó, cứ chiều chiều ban đầu là con bé Phạm Thị Diễm Quỳnh lẫm chẫm theo mẹ ra biển ngóng tàu ba, rồi thêm bé Diễm Ngân, cuối cùng là Diễm Hằng ra đời. Để Lên yên tâm đi biển, Yến buộc phải xin nghỉ làm cô nuôi dạy trẻ ở cảng cá, chị chỉ ở nhà chu toàn cho cái gia đình nhỏ. Chỉ để quần quật từ sáng sớm, khi ánh bình minh còn yếu ớt chưa đủ khỏa lấp sương biển dày đặc, Yến đã phải vội tất tả gửi con nhờ ông bà nội trông nom hộ, rồi băng mình trên chiếc xe đạp cà tàng ra cảng cá gánh từng gánh cá thuê ngày kiếm dăm chục lo cho 3 cô con gái nhỏ ăn học...

Nhưng đâu phải lúc nào biển cũng lặng sóng cũng hiền hòa. Bà con ở trong cái xóm 2B, phường Thọ Quang ai mà chả biết tính thằng Lên hiền thì hiền thật, nhưng sau những lần đi biển trở về, tụ tập bạn chí rượu vào lời ra thì cái căn nhà nhỏ của vợ chông Yến - Lên lại như có bão. Đỉnh điểm của những cơn giông tố là vào chiều ngày 23/7/2011, trong khi đang nhậu tại nhà cha ruột của mình là ông Phạm Văn Hùng, (SN 1955) ở ngay gần nhà vợ chồng Lên - Yến. Trong cuộc nhậu, đang có sẵn hơi men, lại nghe cha gọi vào phàn nàn về việc Yến không biết cách “ăn ở” với cha mẹ chồng. Ông Hùng còn trách móc chuyện hôm trước, biết vợ chồng Lên mới trúng vụ đầu mùa, nên hôm Lên đi biển, ông Hùng có sang nhà hỏi vay một ít tiền đổi mua tấm lưới cào mới. Nhưng khi hỏi vay con dâu thì ông lại bị Yến từ chối và bảo nhà chả còn tiền... Nghe cha trách, cơn giận của Lên cứ lên hừng hực, miệng thì nốc cạn rươu, nhưng bụng lại suy tính sẽ trị “con bất hiếu” của mình một trận ra trò... Đến khoảng 21h, khi về đến nhà, Lên trút bực tức lên đầu vợ bằng những lời lẽ cay nghiệt và màn thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc. Biết tính chồng, lại ngại hàng xóm láng giềng biết chuyện cười chê, Yến chỉ nín nhịn, chịu đựng những lời si vả và trận đòn của Lên, chỉ mong sau bão tố biển lại lặng yên...

Ngọn lửa “cuồng giận”

Nhưng Yến không thể ngờ, “bát còn có lúc xô”, việc vợ chồng đôi lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng là chuyện thường tình... nhưng trong đêm khuya, trong nửa say, nửa tỉnh, giữa cuồng giận Phạm Phú Lên đã có một hành động bất nhân, tàn ác với chính người vợ ấp gối tay kề, với 3 đứa con gái vẫn còn thơ dại. Lên đã dùng xăng “thiêu sống” cả gia đình...!

Khuya hôm đó, khoảng chừng 21h30, vẫn chưa hả cơn giận sau màn chửi mắng, đánh đập vợ, hắn đã rắp tâm trừng phạt cô vợ “bất hiếu” của mình. Lúc đó, khi 2 cô con gái của Lên là Phạm Thị Diễm Quỳnh (11 tuổi) và Phạm Thị Diễm Ngân (10 tuổi) từ nhà ông bà nội trở về nhà, Yến đã gọi 2 bé lên gác ngủ cùng chị và con gái út Phạm Thị Diễm Hằng (6 tuổi) để mai còn phải dậy sớm mẹ ra cảng gánh cá, con đi học. Với ý định thiêu chết cả nhà, Lên chờ khi cả 4 mẹ con chị Yến đã ngủ say, hắn lẳng lặng chạy đi tìm một vỏ lon bia rồi chiết xăng từ xe máy. Sau đó Lên cầm lon xăng đi vào phòng ngủ chốt cửa lại, đổ xăng khắp nền nhà, vào nệm ngủ, rồi dùng điếu thuốc lá đang cháy dở trên tay vứt xuống chỗ đổ xăng...

Khi thấy ngọn lửa bừng cháy dữ dội, thiêu đốt căn gác nhỏ, Lên lúc này mới tỉnh ngộ khi 2 bé Quỳnh và Ngân bị tấm nệm bóc cháy dính chặt vào người la khóc. Hắn hoảng hốt kéo 2 cháu Quỳnh và Ngân ra khỏi phòng. Rồi lại tiếp tục lao vào căn phòng mù mịt khói và lửa để cứu vợ và con bé út. Nhưng, hắn cũng chỉ kịp cứu chị Yến cũng đang bị lửa bắt cháy khắp người. Còn đứa con gái út cháu Phạm Thi Diễm Hằng, mặc dù Lên đã bất chấp lửa nóng, lăn vào đưa được bé ra ngoài, nhưng do bé Hằng nằm phía góc trong cùng, lại quá nhỏ nên bé đã bị bỏng nặng và bé trút hơi thở cuối cùng khi đang trên đường đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Sơn Trà...

Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng kết luận: cháu Phạm Thị Diễm Hằng tử vong là do bỏng lửa nặng, ngạt, suy hô hấp cấp; cháu Phạm Thị Diễm Ngân bị thương tích tỷ lệ là 08%; cháu Phạm Thị Diễm Quỳnh bị thương tích tỷ lệ là 15%, còn riêng chị Nguyễn Thị Yến bị thương tích tỷ lệ là 64%.

Sự vị tha của người đàn bà 2 lần xin giảm án cho chồng

Hôm sau phiên xử phúc thẩm lại vụ án “thiêu sống vợ con” của Phạm Phú Lên một ngày, tôi có tìm đến thăm mẹ con chị Yến tại tổ 2B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nằng. Từ đầu ngõ vào nhà chị, gặp ai tôi cũng nghe câu thở dài thương cảm đền đau lòng. Thương con bé Hằng vắng số, chết thảm một phần, mà thương cho những ngày sống lay lắt, thương tật còn lại của mẹ con chị Nguyễn Thị Yến gấp nhiều phần.

Ông bà Phạm Hùng và Lê Thị Chờ đã vào cái tuổi xế chiều, thường xuyên đau ốm, bệnh tật tuổi già. Ông Hùng lúc trước còn theo ghe ra mỏm Sơn Trà thả lưới cào kiếm từng con tôm con tép để ông bà qua ngày. Nhưng từ khi gia đình thằng con trai Phú Lên gặp chuyện, ông đau buồn rồi sinh bệnh không đi lưới được nữa. Đã khó lại càng thêm khổ, thằng Lên trụ cột chính của gia đình nay phải chịu tù tội, xót con, thương cháu khi chứng kiến cảnh 3 mẹ con còn lại của chị Yến bỏng rộp khắp cơ thể, đang phải hàng ngày, hàng giờ đối chọi với cả vết thương lòng... Ông bà Hùng - Chờ bàn nhau thôi khổ thì đã quá khổ rồi, nên chừ phải đón 3 mẹ con chị Yến về có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, ông bà còn có thể chăm sóc điều trị lo thuốc thang cho Yến vì bị bỏng quá nặng không thể đi lại hay làm được bất cứ việc gì kể cả việc tối thiểu nhất là vệ sinh cá nhân.

Thời gian đầu, bà con láng giềng thương cảm, người góp dăm chục, người góp cân đường hộp sữa, cân gạo đem tới nhà ông bà Hùng để trợ giúp mẹ con chị Yến. Nhưng cả xóm cũng toàn dân chài nghèo, ai cũng khó khăn trăm bề với miếng cơm manh áo, nên cũng thưa dần, thưa lần tới lui. Cả gia đình gồm mẹ con chị Yến và ông bà Hùng là 5 miệng ăn cộng với thuốc thang điều trị thương tật cho chị Yến đều trông chờ vào một mình bà Lê Thị Chờ gánh vác. Nhưng với chỉ 2, 3 chục ngàn mỗi ngày bà Chờ kiếm được từ tiền ra chợ cá ai sai gì làm nấy cũng không thể trang trải nổi cho cả nhà.

“Chắc phải cắt bán cái mảnh đất gần 50m2 ngay trước nhà để mà lo tiền chạy chữa cho con Yến và trang trải cuộc sống cho cả nhà thôi cô à”!, ông Hùng ngân ngấn nước mắt thắp cho đứa cháu nội nén hương tâm sự với tôi. Còn Yến, thấy có người lạ, chị cố gượng ngồi dậy cất tiếng chào, nhưng lại e ngại kéo tấm chăn mỏng che đôi chân loang lổ, phồng rộp đau đớn từng cơn của chị khi thấy tôi bắt chuyện hỏi thăm.

Cách đây một tuần, trước ngày xử phúc thẩm Phạm Phú Lên một công ty chế biến thủy sản ở Thọ Quang hảo tâm và thương mẹ con chị Yến nên đã tặng chị một ít tiền, quà và còn cho một chiếc xe ô tô chở cả ông bà Hùng, mẹ con chị Yến lên trại Hòa Sơn thăm Lên. Gặp chồng, bao nỗi uất hận anh đã gây ra cái chết cho con, gây ra thương tật lớn cho chị bỗng nhiên tan biến đi đâu hết. Cố hết sức lực, Yến yếu ớt dặn Lên giữ gìn sức khỏe, gắng cải tạo tốt mà mau chóng trở về với chị và 2 con gái còn lại.

Yến run rẩy nắm lấy bàn tay thô ráp, chai sạm của Lên, rồi cả 2 vợ chồng ôm chặt lấy nhau, ngấn lệ. “Anh đừng dằn vặt mình hơn nữa. Lần ra tòa tới này, mẹ con em vẫn sẽ xin Tòa giảm án cho anh, chỉ mong vợ chồng sớm ngày đoàn viên” - Lau những giọt nước mắt ân hận lăng dài trên khuôn mặt chồng, Yến thầm thì với Lên...

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án chồng dùng xăng thiêu sống vợ và 3 con gái vào ngày 22/3/2012 vừa qua, người bị hại, cũng là người vợ đã 2 lần đứng lên xin giảm án cho chồng. Hành động vị tha của chị Nguyễn Thị Yến đã thực sự làm xúc động cả Hội đồng xét xử và hàng trăm người chứng kiến. Kẻ gây tội ác tày trời Phạm Phú Lên cũng đã được hưởng sự khoan hồng của Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, đã được giảm án “tội giết người” từ 20 năm xuống còn 17 năm tù. Vụ án cũng còn là một hồi chuông cảnh báo, một phản ánh thực trạng bạo lực gia đình hiện nay mà cả xã hội nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng đang lo ngại và quan tâm...