Lòng tốt và tình người thắp lên hy vọng giữa đại dịch kinh hoàng ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người biến xe kéo thành xe cứu thương miễn phí, người bán cả ô tô mua bình oxy tặng người nghèo, người tình nguyện chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân… Đó là những tấm lòng phần nào xoa dịu nỗi đau và thắp lên những tia hy vọng ở thời điểm Ấn Độ đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh hoàng mang tên đại dịch Covid-19.
Những bữa ăn dành cho bệnh nhân nghèo mắc Covid-19 tại một ngôi đền ở ở Ghaziabad, gần Thủ đô New Delhi, Ấn Độ

Những bữa ăn dành cho bệnh nhân nghèo mắc Covid-19 tại một ngôi đền ở ở Ghaziabad, gần Thủ đô New Delhi, Ấn Độ

Nơi gửi gắm hy vọng cuối cùng

Hai người con trai đỡ mẹ bước vào một ngôi đền của đạo Sikh ở Ghaziabad (gần Delhi), người mẹ là bệnh nhân Covid-19 đã gần như khuỵu xuống. “Tôi chết mất” - bà thều thào trong khi người con trai kêu cứu: “Có ai ở đây không?”. Sau khi di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác trong nhiều ngày, cuối cùng họ đã tìm đến ngôi đền này với hy vọng được thở oxy y tế trong vài giờ. Họ đã không thất vọng.

Một tình nguyện viên nhẹ nhàng đón bệnh nhân và đưa bà tấm chụp gắn vào bình oxy. Cuối cùng, bà đã thở một cách dễ dàng. Trong hơn 1 tuần, trạm dưỡng khí 24/7 do tổ chức phi lợi nhuận Khalsa Help International mở trong ngôi đền này đã cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân nguy kịch. Những tiếng ho sặc sụa, những tiếng than khóc ai oán ám ảnh không khí ở đây, nhưng kỳ lạ thay, hy vọng cũng vẫn tồn tại. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào sau khi đến đây” - Anshul (28 tuổi), ngồi trông người cha mắc Covid-19 của mình chiều 28-4 nói.

Họ đã ở lại đây hơn 7 tiếng đồng hồ và sức khỏe của người cha 61 tuổi đã ổn định sau khi được thở 3 đợt oxy. Gần đó, một tình nguyện viên theo dõi sát sao các đồng hồ đo nồng độ oxy được cấp cho hàng dài bệnh nhân đang nằm dưới tán cây. Họ cũng phân phát nước cho người nhà bệnh nhân đang chờ đợi trong cái nóng 40 độ mùa hè ở miền Bắc Ấn Độ. Nhiều người từ những nơi xa xôi ở Punjab, Rajasthan và Uttarakhand cũng gọi điện đăng ký để có thể tới đây thở oxy.

Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 được cứu chữa nhờ các trung tâm cung cấp bình thở oxy miễn phí

Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 được cứu chữa nhờ các trung tâm cung cấp bình thở oxy miễn phí

Người hùng trong đại dịch

Một số người đã trở thành “siêu anh hùng” trong đại dịch. Nổi bật trong đó có thể kể đến Mohammad Javed Khan - người lái xe kéo ở thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh Bhopal. Anh đã bán đồ trang sức của vợ mình để chuyển chiếc xe của anh thành xe cứu thương tạm thời. “Tôi thấy những người trẻ tuổi đang vật lộn khi không có oxy. Ngay cả khi họ gọi xe cấp cứu, xe cấp cứu vẫn tính phí 5.000-10.000 rupee (70-140 USD). Làm sao mà một người nghèo có thể trả ngần ấy được, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch này khi hầu hết mọi người không có thu nhập?” - Mohammad Javed Khan chia sẻ.

Ở Ấn Độ, khi bao người phải đau khổ đấu tranh để cố giữ cho những người thân yêu của họ sống sót, họ đã tìm thấy niềm an ủi nhờ lòng tốt và tình người trong mùa dịch. Một số ít trong cộng đồng đã trở thành “siêu anh hùng” trong đại dịch, giúp mọi người chiến đấu với đại dịch thật ngoan cường!

Một nhà tài trợ đã cung cấp cho Khan một bình oxy cùng máy đo gắn trên xe. Một bác sĩ khác đã dạy anh cách sử dụng bình khí an toàn cho bệnh nhân khi anh chở họ đến bệnh viện. Anh nói: “Nhiều người đã tìm tôi đưa thêm tiền và đề nghị tôi tiếp tục lái xe như vậy cho đến khi đại dịch kết thúc”.

Có thể nhắc đến nhiều tấm gương khác. Ví dụ một người ở Mumbai đã bán chiếc SUV của mình với giá 2,2 triệu rupee để mua bình oxy tặng cho người nào cần. Ở Varanasi, một lao động 23 tuổi đã dùng xe đạp của mình gắn thêm xe ba gác gỗ để chở bệnh nhân đến bệnh viện. Chưa hết, một bà mẹ đang cho con bú ở Bangalore tặng sữa của mình cho một đứa trẻ sinh non có mẹ đã chết vì Covid-19.

Và còn nhiều câu chuyện khác giúp xua tan đi chướng khí tuyệt vọng đang bao trùm khắp Ấn Độ những ngày gần đây. Một sinh viên không rõ danh tính ở Rajkot đưa cho bà Faizada Raheem 8 viên thuốc có tên Decmax để chồng bà có thêm sức chiến đấu với Covid-19 tại nhà. Bà đã bị sốc khi thấy trên hóa đơn thanh toán chỉ có 40 rupee. Bà Raheem cho biết: “3 người đã mất 3 ngày để tìm loại thuốc này ở Bangalore và gửi nhanh cho tôi đến Rajkot. Tôi đã nghĩ giá sẽ tăng cao, nhưng họ thậm chí còn không lấy tiền của tôi”.

Ở nhiều thị trấn, các đội quân tình nguyện viên sử dụng điện thoại của họ để xác minh và cập nhật cơ sở dữ liệu công khai danh sách các nhà cung cấp thuốc và oxy. Hàng trăm sinh viên giúp các gia đình có bệnh nhân gọi đến đường dây trợ giúp của chính phủ. Khi anh Yoganandam ở Gurgaon (gần Delhi) - người đã mất cha vì Covid-19 và tuyệt vọng đăng lên mạng xã hội rằng mẹ anh đang vật lộn trong bệnh viện vì thiếu oxy, 1h49 sáng, 2 tình nguyện viên đã mang theo một bình oxy đến cho mẹ của Yoganandam.

Tình nguyện viên Tanveer Ahmed nói chuyện với các con từ xa sau 1 ngày dài giúp hỏa táng và chôn cất 10 người đã chết vì Covid-19

Tình nguyện viên Tanveer Ahmed nói chuyện với các con từ xa sau 1 ngày dài giúp hỏa táng và chôn cất 10 người đã chết vì Covid-19

Nghị lực để làm tình nguyện

Quá trình phong tỏa, hạn chế đi lại cũng khiến nhiều người làm công ăn lương có nguy cơ bị đói. Anh Ankit Gupta (28 tuổi) cùng với một số người bạn của mình đã phân phát khoảng 13.000 suất ăn và 200 gói thực phẩm khô mỗi ngày ở Delhi trong 2 tuần qua. Họ mua thực phẩm từ nguồn quyên góp cộng đồng. Cha mẹ và chị gái của Gupta sống ở Bhopal đang xuất hiện các triệu chứng của Covid-19. Họ có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng điều đó không đủ để xua tan lo lắng của anh. “Việc giúp đỡ người khác mang lại cho tôi nghị lực để tiếp tục”.

Tại Bangalore, một nhóm có tên Mercy Angels đã giúp chôn cất hoặc hỏa táng hơn 1.000 thi thể từ tất cả các cộng đồng trong đại dịch. Lái xe quanh thành phố bằng 3 xe cứu thương, khoảng 10 tình nguyện viên đến đón các thi thể từ nhà hoặc bệnh viện và đưa họ đến các nghĩa địa hay nơi hỏa táng được chỉ định. Tanveer Ahmed, một nhân viên nhân sự trở thành tình nguyện viên đại dịch giải thích: “Khi ai đó chết vì Covid-19, gia đình của họ thường đều bị ốm hoặc đã bị cách ly. Một số gia đình sợ chạm vào thi thể người chết, vì thế chúng tôi hỗ trợ họ”.

Điện thoại của Tanveer không ngừng đổ chuông với các cuộc gọi từ gia đình tang quyến. Các tình nguyện viên đã làm hết sức mình với cái tâm của mình. Khi một cô con gái đang khóc ngất trên thi thể của người cha đã khuất vào ngày 29-4, anh Tanveer nhẹ nhàng bế ra và đưa cho cô bé đôi găng tay cùng khẩu trang. Những người tình nguyện làm việc này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của họ và của gia đình họ. Sau khi chôn cất ca thứ 7 trong ngày, Tanveer Ahmed đã dừng xe cấp cứu 1 phút trước nhà của mình để vẫy tay chào các con từ xa. Khi con gái chạy về phía mình, anh hét lên: “Đừng chạm vào bố!”. Trò chuyện với cô con gái từ một khoảng cách an toàn, biểu cảm trên khuôn mặt anh ấy phần nào bị che khuất sau chiếc mặt nạ N95, nhưng đôi mắt anh ánh lên nụ cười.