Lòng tin vào tiền đồng

ANTĐ - Bơm tiền ra, thực chất là để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, suy giảm tăng trưởng, để giảm bớt tình trạng doanh nghiệp đình trệ, đóng cửa và thất nghiệp gia tăng. “Phản ứng phụ” của nó là gây ra lạm phát. Cùng với “cuộc đua” lãi suất huy động đang âm thầm diễn ra, các ngân hàng cùng đồng loạt tung ra gói hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp. Mục đích là tìm cách “giữ chân” khách hàng tốt và tăng nguồn thu từ tín dụng.

Gần cuối năm là “mùa vụ” các doanh nghiệp khát vốn để sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Khác với mọi năm, tại thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đều xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm lại phải đôn đáo huy động vốn. Mới đây, một số ngân hàng lớn đã “bất ngờ” tung ra gói cho vay hàng nghìn tỷ đồng vốn lưu động với lãi suất hấp dẫn 10,99%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn thế, khách hàng vay USD còn được ưu ái áp dụng lãi suất 4,5%/năm với điều khoản tương tự như vay VND. “Chọn mặt gửi vàng”, chương trình tín dụng nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp vào mùa làm ăn cuối năm với đối tượng số 1 là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu; sản xuất, chế biến, gia công nguyên vật liệu cho xuất khẩu, dược phẩm, điện tử… Ngay cả những doanh nghiệp trong các ngành kinh tế trọng điểm như xăng dầu, điện, thép, than, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu… cũng được vay với lãi suất ưu đãi hợp lý.

Cho dù tung khá nhiều “chiêu” hỗ trợ tín dụng, thậm chí cả những “chiêu” ít hiệu quả nhất, song lãnh đạo một số ngân hàng cổ phần cũng phải thú nhận rằng, áp lực tăng trưởng tín dụng cũng như “đích cán” lợi nhuận năm đang đè nặng hai vai các ngân hàng. Ngoài khó khăn nội tại của giới doanh nghiệp, còn một nỗi ám ảnh lớn là sự ổn định tỷ giá VND/USD chưa thật vững chắc, có những yếu tố gây bất ổn từ nay đến cuối năm. Lạm phát đã được kiềm chế, chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD vẫn đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp và người dân, song dưới con mắt của một số chuyên gia ngân hàng, hiện đang tiềm ẩn một số yếu tố tác động làm tăng tỷ giá.

Trước hết là tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có dấu hiệu cao trở lại từ tháng 8. Chênh lệch lãi suất gửi tiết kiệm giữa VND và USD đã, đang và sẽ bị thu hẹp bớt khiến cho các tổ chức, cá nhân “ôm đô” hạn chế bán ra, nguồn cung ngoại tệ trong nước ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, cuối năm luôn là thời điểm căng thẳng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ đầu tư, sản xuất cũng như nhu cầu nhập hàng hóa cho Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ “kích thích” nhu cầu ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá. Cuối cùng là giá vàng đang biến động mạnh sẽ là một nhân tố khó lường đối với tỷ giá từ nay đến hết năm. “Trạng thái” vàng tại các ngân hàng trong nước dường như vẫn là một ẩn số.

Trong suốt 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực duy trì tỷ giá ổn định. Theo giới chuyên gia, để tránh cho tỷ giá có nhiều biến động cần tiếp tục những chính sách, giải pháp để nâng cao hơn nữa lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào giá trị tiền đồng.