Lòng tham che mờ nhân cách

ANTD.VN -  Hàng giả không những làm ảnh hưởng đến uý tín của doanh nghiệp, nhà sản xuất mà khi được tuồn ra thị trường bán cho người tiêu dùng sử dụng còn mang lại những hậu quả khôn lường…  

Lòng tham che mờ nhân cách ảnh 1

Lực lượng chức năng Hà Nội niêm phong số nước giặt do cơ sở của Thái Văn Lâm sản xuất giả thương hiệu của Công ty TNHH LABIDO ÁNH DƯƠNG

Bán hàng giả, thu tiền thật!

Sau nhiều ngày theo dõi, chiều 8-4-2019, tổ công tác Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất nước giặt tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội do Thái Văn Tâm (quê Yên Thành, Nghệ An) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ tại khu nhà xưởng của cơ sở này 524 chai nước giặt (có dung tích 3,6kg) mang thương hiệu của Công ty TNHH LABIDO ÁNH DƯƠNG (có trụ sở tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội).

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ thêm 25kg nhãn và 240 thùng catton và 170 chai đã nước giặt đã dán nhãn nhưng chưa đóng hàng. Làm việc với tổ công tác, đại diện cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ pháp lý của cơ quan chức năng cấp phép cho cơ sở hoạt động sản xuất các loại mặt hàng trên.

Theo quan sát của phóng viên, cơ sở sản xuất nước giặt này nằm sát cánh đồng thuộc thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú nên ít người chú ý. Toàn bộ các thiết bị được cơ sở này dùng để pha trộn, sản xuất đóng chai rất đơn giản và thủ công. Mỗi ngày, có khoảng gần chục công nhân làm việc tại đây và chủ yếu là người thân của ông Thái Văn Tâm.

Ngoài việc làm giả nước giặt của Công ty TNHH LABIDO ÁNH DƯƠNG thì cơ sở này còn sản xuất thêm loại nước giặt, xả mang thương hiệu Paris do Thái Văn Tâm đăng ký với Cục sở hữu tri tuệ.

Tuy nhiên, qua so sánh mẫu nhãn hiệu được Thái Văn Tâm mô tả, đề nghị Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và các nhãn hiệu dán trên các chai nước giặt tại cơ sở sản xuất này nếu nhìn kỹ có nhiều sự khác nhau. Chính điều này khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng thật và nhái.

Trong một diễn biến khác, trưa 9-4-2019, Tổ công tác Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với CAQ Đống Đa bất ngờ ập vào cơ sở sản xuất nước Lavie giả (nằm trong con ngõ sâu tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) do đối tượng tên Toàn (quê Phú Thọ) cầm đầu đang có hành vi sản xuất nước uống đóng bình (loại bình 19L) giả mang nhãn hiệu Lavie.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ hàng chục bình nước uống tinh khiết mang nhãn hiệu Lavie. Tuy nhiên, làm việc với lực lượng chức năng, Toàn khai nhận, đối tượng cùng hai “đồng nghiệp” hàng ngày nhập những loại nước uống rẻ tiền (loại bình 19L) rồi về dùng phễu đổ vào bình mang nhãn hiệu Lavie.

Sau đó, Toàn cùng 2 nhân công dán tem giả thương hiệu Lavie do Toàn đặt làm lên nắp bình nước uống tinh khiết mang nhãn hiệu Lavie rồi đóng kép siu (chụp đầu bình) bằng cách dùng máy tạo nhiệt khò vào chụp bình khiến người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là hàng giả hàng thật. Điều đáng quan tâm, mọi công đoạn san chiết, đóng bình được Toàn cùng các đồng nghiệp thực hiện ngay trong vài mét vuông của nhà vệ sinh nơi ở của mình.

Lực lượng chức năng Hà Nội khám phá cơ sở sản xuất nước Lavie giả tại địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội

Bước đầu, Toàn và các đối tượng khai nhận, mỗi ngày cơ sở này cung cấp khoảng gần 100 bình nước Lavie giả cho một số trường học, phòng khám, bệnh viện và ngân hàng trên thị trường Hà Nội.

Được biết, Toàn trước kia từng là nhân viên của hãng Lavie nên mọi thủ đoạn cũng như cách thức giao hàng, chào hàng cho đối tác được đối tượng thực hiện khá bài bản nên ít các trường học, phòng khám, bệnh viện và ngân hàng được cơ sở này cung cấp nước uống mà không hề biết rằng, hàng ngày mình đang uống phải loại nước lọc rẻ tiền, thậm chí không đảm bảo tiêu chuẩn.

Không nên ham rẻ

Ông Nguyễn Công Bình - Giám đốc Công ty TNHH LABIDO ÁNH DƯƠNG cho rằng, thực tế thì việc sản xuất và buôn bán hàng giả không những ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, tạo ra không khí tâm lý xã hội không lành mạnh.

Không ít cơ sở sản xuất kinh doanh tìm mọi cách hạ uy tín, lấn chiếm, giành giật thị phần khách hàng. Tình trạng sản xuất hàng giả, nhái nhãn mác, kiểu dáng là thủ đoạn thường thấy trong cạnh tranh không lành mạnh.

Xưởng sản xuất nước giặt giả của Thái Văn Lâm nằm tại khu cánh đồng thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn

Trước tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả diễn ra khá phức tạp như hiện nay, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả.

Đặc biệt, đối với người tiêu dùng cần tẩy chay hàng giả, không vì tham rẻ mua những sản phẩm, hàng hoá không có cửa hàng cố định, không có thông tin nhà sản xuất rõ ràng. Đối với các đại lý, cửa hàng không nên nhập những mặt hàng không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng nhằm tìm kiếm lợi nhuận…

Ông Kiều Đình Tuấn – Kiểm soát viên Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) cho biết, hiện nay, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn đang diễn biến phức tạp, những vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sự phát triển kinh tế của đất nước và sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ các, hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi ở nhiều mức độ khác nhau.

“Do đặc tính siêu lợi nhuận của hàng giả chính là nguyên nhân, động lực lôi kéo mọi thành phần, mọi tầng lớp tham gia. Cùng với đó, sự hạn chế, thiếu kiến thức của người dân dẫn đến nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng. Thời gian qua, QLTT Hà Nội chú trọng siết chặt tình trạng này. Nhiều cơ sở kinh doanh cũng như sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đã bị kiểm tra, phát hiện xử lý”, ông Kiều Đình Tuấn thông tin.

Đa số các cơ sở sản xuất hàng giả sử dụng các thiết bị máy móc thô sơ

Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến – Đội trưởng Đội 6 (Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội) cũng cho biết, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ những năm gần đây là vấn đề nóng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách, văn bản pháp luật được ban hành để điều chỉnh theo hướng tăng cường hình thức xử lý đối với loại tội phạm trong lĩnh vực này.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xử lý kịp thời các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái, vi phạm chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa…

“Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là điều không thể chấp nhận. Ngoài việc làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, nhà sản xuất thì còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Khi sử dụng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng dễ xảy ra những hậu quả không lường. Do vậy cần phải xử lý mạnh tay đối với loại tội phạm này. Hành vi này cũng được quy định rất cụ thể tại Điều 192, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm”, Luật sư Đặng Thành Chung nhấn mạnh.