Lòng nhân ái với hàng nghìn trẻ em bị bại não

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Con cái như là sự nối dài của cha mẹ, nhất là với truyền thống của người Việt Nam, đó chính là tương lai, là lẽ sống, là tất cả đối với người phụ nữ; tuy nhiên, ở góc nhìn ấy, chị chẳng có gì cả. Vậy người Phụ nữ ấy là ai và chị đã làm gì để vượt qua bản thân, vượt qua số phận, góp phần cống hiến cho xã hội, giúp đỡ các gia đình có trẻ bị bại não ở Việt Nam.
Chị Lan Anh trong chương trình thực hiện Dự án “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong Covid-19”

Chị Lan Anh trong chương trình thực hiện Dự án “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong Covid-19”

Vượt qua bản thân, vượt qua số phận

Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi trong suốt một thời gian dài, và rồi tôi đã gặp chị Đinh Thị Lan Anh (sinh năm 1981, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm lời giải đáp.

Sinh ra từ vùng đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, trải qua 12 năm học từ cấp I đến cấp III, Lan Anh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong quá trình học tại trường THPT Lương Văn Tụy, với những kiến thức chuyên sâu về lịch sử, Chị được tuyển chọn vào Đội tuyển Học sinh giỏi môn Lịch sử của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình để tham gia kỳ thi toàn quốc. Kỳ thi đó chị Lan Anh đã xuất sắc đạt Giải III môn Lịch sử giành cho Học sinh THPT toàn quốc.

Với kết quả thành tích 12 năm học sinh Giỏi và Giải III kỳ thi môn Lịch sử toàn quốc, sau khi nộp hồ sơ tuyển sinh Đại học năm 1999, chị Lan Anh được Bộ Công an xét tuyển thẳng vào trường Đại học An ninh nhân dân (Khóa D31). Tốt nghiệp, Lan Anh được giữ lại trường và là Giảng viên Khoa Luật. Sau khi lập gia đình Lan Anh sinh con. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi đứa con chào đời được 5 tháng thì gia đình chị phát hiện cháu mắc chứng bại não (Cerebral Palsy), một rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi tổn thương vỏ não vận động của não đang phát triển, là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở trẻ nhỏ.

Thành viên Hội thiện nguyện “Gia đình Siêu nhân” luyện tập cho con
Thành viên Hội thiện nguyện “Gia đình Siêu nhân” luyện tập cho con

Với ý chí và nghị lực vươn lên, không khuất phục và đầu hàng số phận, chị đã gác lại mọi dự định và mơ ước của bản thân, bỏ dở dang học vị Tiến sỹ khoa Luật để theo học Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh (Hà Nội), nhằm trang bị thêm kiến thức y dược với quyết tâm bằng mọi giá để có thể giúp đỡ,chữa trị cho con; đồng thời, chị tìm được một lớp học đặc biệt phù hợp cho sự phát triển của con và ròng rã hai năm vợ chồng chị Lan Anh thay nhau đi từ quận Hà Đông đến quận Cầu Giấy, đưa con đi tập vật lý trị liệu. Sau này, chị quyết định chuyển về quận Cầu giấy ở, để thuận lợi cho việc tập luyện của con.

Luôn trăn trở, phải vượt qua được những mặc cảm và mong muốn cho con có được cuộc sống bình thường, được yêu thương, không bị kỳ thị của xã hội, năm 2015, chị đã đứng lên quy tụ những người đồng cảnh và thành lập Hội thiện nguyện “Gia đình Siêu nhân” trên FaceBook với vài chục thành viên tham gia.

Gạt đi những giọt nước mắt lặng thầm hàng đêm, mong muốn các con có thể vượt qua nỗi đau về bệnh tật, các thành viên trong Hội không dừng lại hoạt động trên fanpage mà còn thường xuyên “ofline” sinh hoạt nhóm, tổ chức gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tìm tòi, học hỏi những bài thuốc dân gian quý để hỗ trợ cho các bé; bắt đầu là từ những lọ cao đu đủ ngâm mật ong do chính tay chị Lan Anh và các hội viên nấu dành tặng cho các bé, hỗ trợ, chữa trị bệnh ho trong những ngày đông giá rét…

Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam thăm hỏi, trao quà các gia đình có trẻ bại não ở miền Trung với số tiền 187 triệu đồng

Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam thăm hỏi, trao quà các gia đình có trẻ bại não ở miền Trung với số tiền 187 triệu đồng

Công việc cứ lặng thầm như thế trôi đi, chế độ của Hội thiện nguyện “Gia đình Siêu nhân” trên FaceBook đã được kết nối, quy tụ hàng trăm thành viên. Các ông bố, bà mẹ có con bại não đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để chăm lo cho các bé, cùng nhau tổ chức nhiều đợt quyên góp, ủng hộ vật chất, tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, giúp cho các bé hòa nhập, phát triển.

Nối dài vòng tay nhân ái

Với suy nghĩ, trăn trở, khắp các miền trên Tổ quốc còn biết bao gia đình cùng cảnh ngộ, hoàn cảnh khó khăn, cần có sự chung tay, chung sức của cộng đồng và xã hội, ngày 22/9/2017, chị Lan Anh và các thành viên trong Hội thiện nguyện “Gia đình Siêu nhân”, đã quyết định đổi tên thành Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, sau đó Hội đã quy tụ trên 1.000 thành viên với khoảng 600 bé bị bại não trên các miền Tổ quốc.

Các thành viên trong Hội tiếp tục các hoạt động tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau, vận động quyên góp, giúp đỡ vật chất cho các gia đình có trẻ bại não gặp khó khăn; làm ra các sản phẩm hỗ trợ trị liệu cho các bé như cao đu đủ, ngâm mật ong, tỏi Lý Sơn ngâm mật ong tăng cường cho bé, dầu tràm Mẹ siêu nhân, dầu massage CP… và gửi tặng, phát miễn phí cho các gia đình có con bị bại não.

Với những việc làm mang đầy ý nghĩa và nhân văn đó, năm 2019 chị Lan Anh vinh dự được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” và được mời tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Khắc ghi lời Bác dạy” do Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố và Cụm thi đua số 16 tổ chức.

Bước sang năm 2020, Chị Lan Anh cùng với các thành viên vừa tiếp tục các hoạt động thiện nguyện, vừa xây dựng, củng cố tổ chức của Hội để đề xuất các cấp có thẩm quyền công nhận, góp phần mang tiếng nói của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam đến với xã hội.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến và hoạt động có hiệu quả đó, ngày 15/1/2020, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-LHH, chính thức công nhận Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV, viết tắt là CP) là thành viên trực thuộc Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; chị Lan Anh - Chủ tịch Hội được công nhận là Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.

Chân dung Chị Đinh Thị Lan Anh,người sáng lập - Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam

Chân dung Chị Đinh Thị Lan Anh,người sáng lập - Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam

Đây là mốc son quan trọng để CPFAV tiếp tục phát triển lớn mạnh, được trở thành một tổ chức đại diện cho cha mẹ trẻ bại não, hỗ trợ hiệu quả cho cha mẹ trong các hoạt động chăm sóc, trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ bại não.

Hiện nay, CPFAV là một cộng đồng lớn và uy tín của trẻ bại não với mạng lưới 40 Chi hội trên khắp cả nước, có 3.000 thành viên là cha mẹ có con bị bại não, hơn 2.500 trẻ bại não trên khắp cả nước.

CPFAV thực hiện sứ mệnh nâng cao nhận thức cho xã hội về chứng bại não; là diễn đàn chia sẻ kiến thức, nâng cao năng lực cho cha mẹ về chăm sóc và trị liệu cho trẻ bại não.

Với vai trò Chủ tịch Hội, chị Lan Anh đã cùng CPFAV tổ chức trên 20 chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng tại nhà cho trẻ bại não ở địa phương và kết nối 30 “Nhà xanh lá” khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ bại não. Tổ chức thành công Giải chạy thường niên “Nâng bước chân em” gây quỹ mỗi năm gần 200 trăm triệu đồng ủng hộ trẻ bại não; làm và trao tặng hàng chục nghìn lọ thuốc dân gian phát miễn phí cho trẻ bại não trên cả nước; phối hợp với Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh hỗ trợ trên 300 dụng cụ, 100 giày nẹp chỉnh hình cho trẻ bại não; tổ chức chương trình “Bảo trợ Gia đình Siêu nhân” cho 45 gia đình với mức hỗ trợ thường xuyên 500.000 đồng/tháng, quyên góp quần áo, đồ dùng, đồ chơi gửi tặng cho các bé có nhu cầu; đặc biệt, cứ mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 hay Tết Trung thu hàng năm, CPFAV tổ chức chương trình “Ngày hội tuổi thơ”, “Vui tết Trung thu” cho các bé bị bại não, với các nội dung, hình thức phong phú, cuốn hút hàng trăm bé tham gia vui chơi như những trẻ em khác, được hòa nhập xã hội.

Trong năm 2020, thành công lớn nhất của CPFAV và Chị Lan Anh với vai trò sáng lập và là Chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam là đã xây dựng được một cộng đồng đoàn kết và chia sẻ, thực sự là mái nhà yêu thương cho các gia đình có con bị bại não.

Hội đã tổ chức các hoạt động như chương trình “Chắp cánh ước mơ đến trường của em” và ủng hộ, quyên góp trao tặng trên 50 triệu đồng, cùng đồ dùng học tập cho các cháu đến tuổi đi học; ủng hộ cháu Tuệ Linh thực hiện phẫu thuật mổ mắt với số tiền 140,5 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, động viên, ủng hộ gia đình các bé bại não miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ với số tiền 187 triệu đồng.

Chị Lan Anh và con gái - Bé Kẹo tham gia chương trình “Nâng bước chân em” năm 2020

Chị Lan Anh và con gái - Bé Kẹo

tham gia chương trình “Nâng bước chân em” năm 2020

Phối hợp với Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Nội tổ chức chương trình “Giới thiệu các phương pháp phục hồi chức năng mới, hiệu quả cao cho trẻ bại não”; triển khai chương trình thực hiện Dự án “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau trong Covid-19”, đã tổ chức hỗ trợ số tiền hơn 190 triệu đồng và lương thực thiết yếu cho 85 gia đình có trẻ bại não thuê trọ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Tham vấn đồng cảnh và Hướng nghiệp cho trẻ CP”, phối hợp với Hội người khuyết tật tỉnh Ninh Bình thành lập “Trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ bại não và người khuyết tật”...

Với thành tích trong công tác phục hồi chức năng và hòa nhập xã hội cho trẻ bại não, năm 2020 chị Đinh Thị Lan Anh và Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam đã được Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ghi nhận và tặng Bằng khen.

Mong muốn và hy vọng CPFAV ngày càng lớn mạnh hơn, trao thêm cơ hội phục hồi và hòa nhập xã hội cho trẻ bại não. Chúc chị Lan Anh cùng với CPFAV tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp, là sợi dây gắn kết giữa CPFAV và những tấm lòng hảo tâm, nhân ái trong xã hội được nối dài thêm mãi, cùng hướng đến mục tiêu “Cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội cho trẻ bại não”.