Long Biên tổ chức lễ đón nhận danh hiệu "Di tích lịch sử cấp Thành phố"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - UBND Quận Long Biên sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng "Di tích lịch sử cấp Thành phố" với hai di tích đình Gia Thượng và đền Rừng. Đây là 2 trong số 17 di tích vừa được UBND TP Hà Nội xếp hạng danh hiệu trên.

Theo kế hoạch, lễ đón nhận sẽ được UBND Quận Long Biên tổ chức vào ngày ngày 4-4-2025 (tức ngày 7-3 Âm lịch). Cùng với đó là khai mạc lễ hội truyền thống phường Ngọc Thụy.

Dự kiến, phần lễ sẽ bắt đầu từ sáng ngày 4-4 gồm các nghi thức rước nước và rước bằng xếp hạng về đình Gia Thượng, đón nhận quyết định công nhận cây di sản Việt Nam; đón nhận bằng xếp hạng di tích. Tiếp theo, phần hội sẽ là chương trình nghệ thuật “Gia Thượng, mảnh đất linh thiêng - Khát vọng bừng sáng” diễn ra vào tối cùng ngày 4-4 tại di tích đình Gia Thượng (tổ 20, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) và khai mạc lễ hội truyền thống phường Ngọc Thụy năm 2025.

Trước đó vào ngày 21-3-2025, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức trao bằng xếp hạng "Di tích cấp Thành phố", quyết định và hồ sơ xếp hạng (đợt 1) cho 17 di tích theo Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 28-2 của UBND TP Hà Nội. 17 di tích này gồm: đình Yên Duyên (quận Hoàng Mai); đình Gia Thượng, đền Rừng (quận Long Biên); chùa Cống Sở, đình Cống Sở, đình - đền Tổng Trinh Tiết, chùa Trinh Tiết, chùa thôn Thọ, đình Phú Yên, đình Lê Xá (huyện Mỹ Đức); chùa Bảo Tháp, chùa Ngọc Tân, đền thờ Đức Tiên Chúa, di tích lịch sử văn hóa quán Hạ, đình Quế Dương, chùa Phổ Am (huyện Hoài Đức); chùa Tây Vị, đình Tây Vị (thị xã Sơn Tây).

Việc công nhận, xếp hạng di tích ở từng cấp hướng tới trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích một cách tốt hơn, thông qua đó giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị và để lại những di sản cho các thế hệ sau, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết, hướng nhân dân và cộng đồng vươn tới những giá trị "chân, thiện, mỹ”.

Đình Gia Thượng

Đình Gia Thượng

Đình Gia Thượng thờ 5 vị Thần hoàng, trong đó có Linh Lang Đại vương và Cao Sơn Đại vương là 2 vị thần có địa vị thần quyền quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân đất Thăng Long. Linh Lang là vị thần được thờ chính ở đền Voi Phục – Thủ Lệ thuộc trấn Tây kinh thành Thăng Long. Theo huyền thoại ông là con vua Lý Thánh Tông có công đánh giặc Tống. Còn Thần Cao Sơn được thờ chính ở đình Kim Liên, thuộc trấn Nam kinh thành Thăng Long. Cao Sơn là bộ tướng thân cận của Tản Viên Sơn Thánh đã chống lại Thủy Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Ngoài ra, đình còn thờ vị Thần Giang Khẩu Đại vương (Thần cửa sông) với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sông nước êm đềm, mùa màng bội thu.

Cùng với việc thờ Thiên thần (Thần núi, Thần sông), đình Gia Thượng còn thờ Minh Trụ Đại vương và Minh Khiết Đại vương - là 2 vị nhân thần, nhân vật lịch sử thời Lý đã được huyền thoại hóa.

Đền rừng

Đền rừng

Di tích đền Rừng thờ chúa Thượng Ngàn, mặt đền hướng ra dòng sông Hồng phù sa. Trải qua năm tháng và 2 lần tu tạo, hiện di tích này hoàn thiện các hạng mục công trình kiến trúc độc đáo: Đền chính, cung Sơn Trang, cung Quan Đệ Tam, ban Mẫu bán thiên, nhà Tổ, nhà khách, công trình phụ trợ, sân vườn. Một điểm đặc sắc nữa ở đền Rừng, mang giá trị lịch sử, khoa học, đó là nơi đây bảo lưu được 91 hiện vật, tiêu biểu như bát hương gốm Thổ Hà, tượng 2 vị chúa bà bằng đồng; tượng Linh Lang Đại vương…