Lời tuyên chiến và đòn trả đũa tàn khốc ở Trung Đông

ANTD.VN - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt 52 mục tiêu tại Iran trong tầm ngắm, trong khi lá cờ đỏ tượng trưng cho chiến tranh đã được kéo lên trên mái vòm nhà thờ Hồi giáo Jamkaran ở thành phố Qom của Iran là những tín hiệu cảnh báo về kịch bản tồi tệ nhất - một cuộc đụng độ quân sự thực sự giữa Mỹ và Iran đã cận kề. 

Lời tuyên chiến và đòn trả đũa tàn khốc ở Trung Đông ảnh 1Tang lễ Tướng Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Thủ đô Baghdad, Iraq

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết con số 52 mục tiêu của Iran tương đương với số người Mỹ bị Iran bắt làm con tin trước đây. Đáp lại, Giáo chủ Khamenei - nhà lãnh đạo tối cao Iran đã cảnh báo về “đòn trả đũa tàn khốc” chờ đợi Mỹ sau vụ ám sát Tướng Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Khoảng 35 mục tiêu của Mỹ và Israel đã được đặt trong tầm ngắm của tên lửa Iran.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), quan hệ Mỹ - Iran đã nhanh chóng xấu đi. Không chỉ dừng ở những biện pháp trừng phạt về kinh tế, những vụ đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran cũng đã xảy ra. Trong khi Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ trên eo biển Hormuz, thì Mỹ cũng mở các cuộc không kích vào các lực lượng thân Iran trong khu vực Trung Đông.

Nhưng chưa bao giờ những lời đe dọa nhằm vào nhau lại chứa đầy thù hận, chưa bao giờ sức nóng cuộc đối đầu Mỹ - Iran lại rát bỏng đến như vậy. Bình luận về việc Mỹ tấn công giết chết Tướng Soleimani, ông Malley, người từng là điều phối viên của Nhà Trắng về các vấn đề Trung Đông, Bắc Phi và Vùng Vịnh trong chính quyền Tổng thống Barak Obama cho rằng: “Cho dù Tổng thống Donald Trump có ý định hay không, với tất cả mục đích thực tế như vậy, đó là lời tuyên bố chiến tranh”.

Với Iran, việc Tướng Soleimani thiệt mạng không đơn giản là mất đi một vị tư lệnh chiến trường. Là “kiến trúc sư” cho gần như mọi hoạt động quan trọng của lực lượng tình báo và quân đội Iran trong 2 thập kỷ qua, Tướng Soleimani được coi là biểu tượng, niềm tự hào dân tộc, ngọn cờ trong cuộc đối đầu kiên cường với Mỹ. Có thể nói, cái chết của Tướng Soleimani là đón giáng mạnh vào nỗ lực của Iran trong việc định hình một Trung Đông đang bất ổn theo chiều hướng có lợi cho Tehran. 

Trong bối cảnh tâm lý chống Mỹ đang được đẩy cao ở Iran, sự thách thức công khai của Washington khi sẵn sàng bỏ qua các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế để sát hại Tướng Soleimani đang tạo thách thức lớn với uy tín của Tehran. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những lời kêu gọi trả thù đang vang lên khắp nơi, không chỉ ở Iran mà còn khắp khu vực Trung Đông, địa bàn hoạt động của các lực lượng thân Tehran. 

Theo nhận định của ông Sami Nader, Giám đốc Viện các vấn đề chiến lược Levant ở Liban, Tehran sẽ thực hiện hành động đáp trả để bảo vệ hình ảnh của nước này. Còn ông Robert Malley, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của International Crisis Group thì nhận định: “Thật khó để tưởng tượng rằng Iran sẽ không trả đũa một cách cực kỳ dữ dội”. Không những thế, giờ đây, hành động trả đũa của Iran được nâng lên thành “cuộc chiến chống chủ nghĩa bành trướng của Mỹ và bảo vệ các giá trị Hồi giáo”. 

Bởi Mỹ và Iran hiện không có quan hệ ngoại giao, không có người Mỹ hiện diện trên đất Iran, các đòn trả đũa của Tehran dự báo sẽ thông qua các lực lượng thân Iran ở các nước trong khu vực, trước hết là ở Iraq và Liban. Trước mắt, một nhóm ủng hộ Iran thuộc lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq đã hối thúc các lực lượng an ninh Iraq tránh xa các căn cứ của Mỹ ở quốc gia Trung Đông này ít nhất 1km từ ngày 5-1. Đòn trả đũa cũng có thể thông qua tổ chức Hezbollah thân Iran có quyền lực lớn ở Liban. Đây là lực lượng từng mở các cuộc tấn công Đại sứ quán và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Liban. 

Khó có thể dự báo hết quy mô và phương thức trả đũa sẽ như thế nào. Nhiều khả năng các bên, nhất là Iran, sẽ hành động theo kiểu tùy cơ ứng biến, tùy thuộc vào điều kiện mà Tehran có thể chớp được. Trong bối cảnh mâu thuẫn ở Trung Đông đan xen, không chỉ riêng giữa Mỹ và Iran, mà còn giữa các nước trong khu vực với nhau và với Mỹ, các hành động trả đũa không công khai như vậy có thể dẫn đến những sự hiểu lầm nguy hiểm. 

Chưa bao giờ Trung Đông cận kề bên miệng hố chiến tranh như hiện nay. Không chỉ Nga, Trung Quốc, mà ngay các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Australia, Saudi Arabia… cũng bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran.