Lời thừa nhận gây sốc

ANTĐ - Việc HSBC buộc phải thừa nhận thất bại trong việc ngăn chặn chống rửa tiền không chỉ khiến “người khổng lồ” trong lĩnh vực ngân hàng của thế giới phải đối mặt với đòn trừng phạt nặng nề mà còn rung lên hồi chuông đáng báo động khác.

Người đứng đầu HSBC David Bagley (trái) và Tổng giám đốc điều hành Paul Thurston 

trong phiên điều trần ngày 17-7

Ban lãnh đạo ngân hàng hàng đầu thế giới HSBC có trụ sở ở London (Anh) đã phải lên tiếng thừa nhận thất bại trong việc thực thi những quy định chống rửa tiền. Lời thừa nhận gây sốc được đưa ra sau khi một Uỷ ban Điều tra của Thượng viện Mỹ cáo buộc ngân hàng toàn cầu này đã tạo kẽ hở để các phần tử khủng bố và các nhóm buôn bán ma túy... tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.

Theo Uỷ ban Điều tra Thượng viện Mỹ, HSBC đã cung cấp đường dẫn cho các hệ thống rửa tiền của các trùm ma túy mà nhiều nước liệt vào danh sách những “quốc gia cứng đầu”. Ủy ban Điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện tình trạng kiểm soát yếu kém tại HSBC đã cho phép các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước như Mexico, quần đảo Cayman, Iran, Arab Saudi... vào Mỹ qua ngân hàng này. 

Đáng lo ngại hơn, bản phúc trình công bố trước cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ còn cho rằng HSBC cũng đã giao dịch với các công ty dính dáng tới khủng bố. Đồng thời, ngân hàng có chi nhánh trên khắp thế giới này còn tránh né các biện pháp chế tài tài chính của Mỹ và nhiều nước phương Tây đối với các quốc gia bị phong tỏa tài sản như Iran.

Báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng kết luận rằng Ủy ban Lập pháp ngân hàng Mỹ, cơ quan kiểm định tiền tệ của nước này, đã thất bại trong việc kiểm soát HSBC. Các giám đốc điều hành của HSBC và các nhà giám sát Mỹ thường phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo và không ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp trong khoảng thời gian từ năm 2002-2010, đã tạo cơ hội cho những kẻ tội phạm và khủng bố có “cánh cổng” thâm nhập hệ thống tài chính Mỹ.

Sau khi Uỷ ban Điều tra của Thượng viện Mỹ công bố báo cáo điều tra, Chủ tịch Ngân hàng HSBC Mỹ (HBUS) Irene Dorner đã lên tiếng xin lỗi trước Thượng viện Mỹ ngày 17-7 về điều HBUS gọi là mức độ kiểm soát “không thể chấp nhận” trong suốt gần 10 năm. Ban lãnh đạo HSBC cũng cho biết, ngân hàng chấp nhận các cáo buộc và nỗ lực hết sức để giải quyết hậu quả. Trước mắt, Trưởng nhóm Thanh tra kinh tế của HSBC David Bagley đã từ chức để chịu trách nhiệm. 

Hiện chính phủ Mỹ chưa lên tiếng về vụ bê bối của HSBC theo cáo buộc của Uỷ ban Điều tra Thượng viện Mỹ song có thể ngân hàng này sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã phạt ngân hàng ABN AMRO (Ngân hàng Hoàng gia Scottland) 500 triệu USD vì điều hành một hệ thống rửa tiền quy mô, thực hiện các phi vụ hợp thức hóa “tiền bẩn” cho các ngân hàng và khách hàng có tên trong “danh sách đen” của Washington.

Sự thừa nhận thất bại trong việc ngăn chặn nạn rửa tiền của HSBC khiến dư luận lo ngại hơn về cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về rửa tiền và tài trợ khủng bố. IMF cho rằng, các tổ chức tội phạm và tài trợ khủng bố đều lợi dụng hệ thống tài chính quốc tế để “làm sạch” các nguồn tài chính kiếm được từ hoạt động phi pháp, sử dụng nguồn vốn khổng lồ này vào các mục đích tội phạm và khủng bố, đe dọa sự ổn định chính trị, kinh tế, tài chính của các quốc gia...