Lối thoát nào giúp Venezuela ra khỏi cơn lốc "siêu lạm phát"?

ANTD.VN - Trong nỗ lực thoát khỏi cơn lốc “siêu lạm phát” đang tàn phá nền kinh tế đất nước, hôm nay (20-8), Venezuela sẽ tiến hành đổi tiền bằng cách xóa 5 chữ số 0 trên đồng nội tệ Bolivar.

Lối thoát nào giúp Venezuela ra khỏi cơn lốc "siêu lạm phát"? ảnh 1Do lạm phát, người dân Venezuela đi mua hàng phải mang theo rất nhiều tiền

Venezuela đang nằm trong danh sách những quốc gia có mức lạm phát “khủng” nhất mọi thời đại, tương tự như Zimbabwe hồi những năm 2000 và nước Đức hồi thập niên 1920. Theo số liệu từ Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát, tốc độ lạm phát hàng năm ở nước này đã vượt ngưỡng 46.000%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại Venezuela năm nay sẽ lên tới con số không tưởng là 1.000.000%.

Từng là quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất tại Nam Mỹ nhờ sở hữu trữ lượng dầu lửa khổng lồ, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Venezuela đã chìm sâu vào khủng hoảng kể từ khi giá dầu lửa lao dốc vào năm 2014. Theo giáo sư Steve H. Hanke của Đại học John Hopkins, một người đã theo dõi giá cả ở Venezuela trong hơn 2 thập niên, tốc độ lạm phát hàng năm ở nước này đã lên tới 41.838%.

Do lạm phát quá cao, hiện nay hiếm có người Venezuela nào dùng ví để mang tiền mặt, thay vào đó họ dùng bao tải hoặc thùng lớn. Thậm chí, để đỡ mất thời gian, nhiều nơi còn cân thay vì đếm tiền. Để mua những mặt hàng thiết yếu như một bánh xà phòng hay 1 kg cà chua, người dân phải trả bằng hàng chục xấp tiền dày. Kinh tế sa sút cùng với tình trạng thiếu thốn lương thực khiến người dân Venezuela sụt trung bình 11 kg trong năm 2017. Hiện 90% dân số nước này sống trong nghèo khổ với mức lương tháng tối thiểu dưới 4 USD.

Trong khi Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định Venezuela là nạn nhân của một cuộc chiến tranh kinh tế do phe đối lập và các thế lực bên ngoài, gồm Mỹ, tiến hành, thì các nhà phê bình cho rằng vấn đề của Venezuela xuất phát từ những quyết định chính sách sai lầm, bao gồm mở rộng cung tiền không có sự kiểm soát và các biện pháp kiểm soát tỷ giá khiến các doanh nghiệp không thể nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và phụ tùng máy móc.

Bằng biện pháp đổi tiền, ông Maduro muốn kiểm soát tốc độ siêu lạm phát, đồng thời chống lại “cuộc chiến tranh kinh tế” mà các cường quốc phương Tây tiến hành để phá hoại chính quyền của ông. Theo kế hoạch, đồng nội tệ Bolivar sẽ được loại bỏ 5 số 0, thay vì bỏ 3 chữ số 0 như dự kiến ban đầu. Đợt cải cách tiền tệ này cũng sẽ neo buộc đồng Bolivar vào đồng tiền ảo mà Chính phủ Venezuela phát hành mới đây là đồng Petro. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những thách thức kinh tế mà Venezuela rơi vào là kết quả của những chính sách quản lý kinh tế sai lầm và sự phụ thuộc thái quá vào nguồn tài nguyên dầu lửa. Các nhà phê bình thì cho rằng đổi tiền chẳng qua chỉ là một biện pháp kế toán và chẳng có tác dụng gì trong việc ngăn giá cả leo thang.  

Nhiều người bi quan còn đưa ra khả năng cuộc đổi tiền sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn tương tự như hồi tháng 12-2016, khi ông Maduro loại bỏ tờ tiền có mệnh giá lớn nhất khỏi lưu thông mà không có đồng tiền nào thay thế. Động thái đó đã dẫn tới những cuộc biểu tình, cướp bóc và hàng trăm vụ bắt giữ nhưng cũng không ngăn chặn được tình trạng hỗn loạn. 

Không biết diễn biến sắp tới sẽ thế nào nhưng mấy ngày nay, người dân Venezuela đã đổ xô đi mua sắm. Bắt đầu từ tối Chủ nhật, dịch vụ ngân hàng Internet đã được tạm dừng nhiều giờ đồng hồ. Hôm nay là ngày thứ Hai nhưng Chính phủ thông báo sẽ là ngày nghỉ toàn quốc để phục vụ cho việc đổi tiền.