Lối thoát nào cho Hồng Kông?

ANTĐ - Cuộc đối đầu giữa những người biểu tình và chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông đã tiến sát lằn ranh khủng hoảng khiến người đứng đầu LHQ phải kêu gọi tìm giải pháp hòa bình.

Cuộc đối đầu ở Hồng Kông vẫn đang giằng co rất quyết liệt

Căng thẳng giữa những người biểu tình yêu cầu một cuộc bầu cử thực sự dân chủ và công bằng với chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông ngày 1-10 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây cũng là ngày cuối cùng trong “tối hậu thư” mà phong trào “Chiếm Trung tâm” (Occupy Center) đưa ra để buộc Bắc Kinh rút lại quyết định đưa ra hồi cuối tháng 8 vừa qua về cải cách bầu cử tại Hồng Kông cũng như đòi Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh từ chức.

Ngày 1-10, ông Lương Chấn Anh đã tham dự buổi lễ thượng cờ Trung Quốc để kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHND Trung Hoa trong khi những người biểu tình quay lưng lại buổi lễ. Phát biểu tại đây, người đứng đầu chính quyền Hồng Kông tiếp tục từ chối gặp gỡ những người biểu tình đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ phương thức bỏ phiếu bầu Trưởng Đặc khu hành chính mà chính quyền Trung ương Trung Quốc đã thông qua.

Trong khi đó, việc chiếm giữ khu trung tâm Hồng Kông của hàng nghìn người biểu tình đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp. Hành động phản kháng của phong trào “Chiếm Trung tâm” đã khiến giao thông ở trung tâm thành phố, đặc biệt là hoạt động giao dịch tài chính, ngân hàng của Hồng Kông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Là trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới chỉ sau London và New York, thị trường chứng khoán lớn thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á sau Tokyo… Hồng Kông hiện là một trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng không chỉ quan trọng với Trung Quốc mà cả với châu Á cũng như thế giới. Kinh tế Hồng Kông có “mệnh hệ”  gì chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế Trung Quốc, bởi 1/2 tổng vốn đầu tư  vào Trung Quốc năm 2013 đi qua “cửa” Hồng Kông. Hàng hóa qua cảng Hồng Kông có giá trị lớn gấp 3 lần số hàng từ cảng Los              Angeles (lớn nhất nước Mỹ) vào Trung Quốc…

Với vai trò lớn như vậy nên giải quyết ra sao bất ổn tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (vốn chỉ có 7 triệu dân so với hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc) không hề dễ dàng với Bắc Kinh. Trong trường hợp biểu tình tiếp tục làm tê liệt trung tâm Hồng Kông, chính quyền Đặc khu có thể dùng biện pháp mạnh, thậm chí chính quyền Trung ương có thể triển khai quân đội để thiết quân luật, song làm như vậy sẽ làm gợi nhớ lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989 từng đẩy quan hệ Trung Quốc và phương Tây vào khủng hoảng nhiều năm sau đó. Cũng có ý kiến cho rằng, một biện pháp phi bạo lực như hành động từ chức của ông Lương Chấn Anh sẽ giúp xoa dịu và đánh đổi sự nhân nhượng từ phong trào “Chiếm Trung tâm”.

Trong khi các giải pháp xử lý tình trạng bất ổn chưa từng thấy kể từ khi Hồng Kông được Anh chuyển giao cho Trung Quốc năm 1997, còn bỏ ngỏ thì Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hối thúc giới chức Trung Quốc và người biểu tình ở Hồng Kông (Trung Quốc) giải quyết các bất đồng theo hướng hòa bình. Khẳng định Hồng Kông là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc song người đứng đầu LHQ cũng nhấn mạnh tới việc phải được giải quyết theo các nguyên tắc “hòa bình” và “dân chủ”.