Lối thoát nào cho Đài Loan trước căng thẳng hai bờ eo biển?

ANTD.VN - Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng khi tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 từ 31-5 đến 2-6-2019, lãnh đạo hai nước liên tục đấu khẩu với nhau, làm dấy lên những mối lo ngại về an ninh trong khu vực, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", liệu chính quyền của bà sẽ lựa chọn giải pháp nào để hạ bớt căng thẳng?

Mỹ thay đổi cách tiếp cận

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận của Mỹ đối với Đài Loan có sự thay đổi dưới thời Tổng thống D. Trump. Đài Loan có một vị trí quan trọng khi nằm ở trung tâm của chuỗi đảo thứ nhất, được Mỹ coi là "tàu sân bay không thể đánh chìm".

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực thực hiện chiến lược "Cường quốc biển", chuỗi đảo thứ nhất chính là "phòng tuyến đầu tiên" mà Mỹ và đồng minh có thể sử dụng để kiềm chế Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống D. Trump, Mỹ đã sử dụng cách tiếp cận khá tích cực đối với Đài Loan.

Hàng loạt các động thái của Mỹ như đàm thoại giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Đài Loan, cho phép lãnh đạo Đài Loan quá cảnh ở Mỹ, ban hành Đạo luật du lịch Đài Loan và Đạo luật "Sáng kiến trấn an châu Á" (ARIA), trong đó bảo đảm sự cam kết của Mỹ trong việc bán vũ khí cho Đài Loan... đã khiến quan hệ Mỹ - Đài có thêm cơ sở gắn kết.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: AP)

Không chỉ dừng lại ở các động thái ngoại giao, thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 330 triệu USD đã được Mỹ công bố chính thức vào ngày 24-9-2018.

Từ những hành động này cho thấy, Tổng thống D. Trump rất tích cực sử dụng "con bài Đài Loan" trong quan hệ với Trung Quốc, và đây sẽ là "trận địa" kéo dài trong quan hệ Mỹ - Trung ngoài cuộc chiến thương mại.

Trung Quốc tự tin ngăn chặn

Ngày 2-6-2019, tại Đối thoại Shangri-La 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa phản ứng mạnh mẽ đối với Mỹ trong vấn đề Đài Loan khi tuyên bố, nếu có bất cứ thế lực nào dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội nước này không còn cách nào khác là phải "chiến đấu" bằng mọi giá vì khối đoàn kết dân tộc.

Trước đó, ngày 16-5-2019, Tân Hoa xã dẫn lời ông An Phong Sơn, Phát ngôn viên Văn phòng sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, đợt tập trận quanh Đài Loan hồi tháng 5-2019 là thông điệp "cảnh cáo mạnh mẽ các thế lực âm mưu tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc". Theo ông, Trung Quốc đại lục có đủ khả năng để ngăn chặn “Đài Loan độc lập” và sẽ “không có lối thoát” nào cho Đài Loan.

Từ tráng sang phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: Financial Times)

Hồi năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo sẽ quyết liệt chống lại những nỗ lực thúc đẩy độc lập cho Đài Loan, và Bắc Kinh không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để "thu hồi" hòn đảo này.

"Trung Quốc sẽ thống nhất, nhất định sẽ thống nhất. Đây là đòi hỏi tất yếu cho sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới", Hãng Bloomberg dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Được biết, căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đột ngột "tăng nhiệt" sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 17-3-2019 đã ký thông qua "Đạo luật thăm Đài Loan", khuyến khích chính quyền Mỹ cử quan chức cấp cao tới Đài Loan và ngược lại, khiến Bắc Kinh giận dữ. Đạo luật không mang tính ràng buộc và có hiệu lực từ ngày 17-3, ngay cả khi Tổng thống Trump không ký duyệt. Động thái này đã gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi những đợt áp thuế liên tiếp của phía Mỹ đối với các sản phẩm hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, Chính quyền Đài Loan hoan nghênh đạo luật, cho biết họ mong đợi tăng cường quan hệ với Mỹ. Văn phòng người đứng đầu chính quyền Đài Loan tuyên bố Mỹ là "đồng minh thân cận nhất" của Đài Loan và cảm ơn sự hỗ trợ từ Washington.

Sự lựa chọn của Đài Loan

Sau những giảm sút uy tín trong quá trình cầm quyền cũng như thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương, Chính quyền của bà Thái Anh Văn dường như đã có những sự điều chỉnh linh hoạt. Điều này không chỉ "ghi điểm" với người dân Đài Loan, mà còn làm giảm bớt sự "ngột ngạt" trong không gian quốc tế do Trung Quốc tạo ra đối với hòn đảo này. Có thể nhìn nhận qua những điểm chính sau:

Thứ nhất, kiên trì chính sách "Đài độc" (Đài Loan độc lập).

Uy tín của Chính quyền của bà Thái Anh Văn nếu như bị giảm sút nghiêm trọng vào cuối năm 2018 thì đã được cải thiện tích cực từ đầu năm 2019 đến nay. Nguyên nhân là bởi Đài Loan đã thể hiện quan điểm cứng rắn của mình trong việc xử lý mối quan hệ hai bờ eo biển và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các lựa chọn bầu cử. Đặc biệt, sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 40 năm "Thư gửi đồng bào Đài Loan", nhấn mạnh việc Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã có thái độ đáp trả đanh thép khi khẳng định hòn đảo này sẽ không chấp nhận mô hình "một nước, hai chế độ" với Trung Quốc, khẳng định tất cả các cuộc đảm phán qua eo biển cần được thực hiện trên cơ sở bình đẳng.

Sức ép từ phía Trung Quốc khiến tổng số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan hiện chỉ còn 17 nước (Nguồn: Ouest-France)

Chính sách "Đài độc" không chỉ giúp Chính quyền lấy lại sự tín nhiệm của người dân, tạo thuận lợi cho quá trình tranh cử nhiệm kỳ tới của Đảng Dân tiến, mà còn là cầu trả lời cho những áp lực mà Trung Quốc tạo ra đối với Đài Loan.

Thứ hai, gia tăng quan hệ với Mỹ và nâng cao khả năng phòng thủ.

Dưới thời Chính quyền của Mã Anh Cửu, Đài Loan đã buông lỏng việc tăng cường sức mạnh an ninh của mình, ngân sách quốc phòng của Đài Loan giai đoạn này chưa bao giờ đạt 3% GDP, đồng thời trì hoãn những giao dịch mua bán vũ khí với Mỹ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Chính quyền của bà Thái Anh Văn đã có những nỗ lực trong việc củng cố mối quan hệ với Mỹ, thông qua các phương thức ngoại giao và quân sự, đồng thời đang lên kế hoạch khôi phục sản xuất vũ khí trong nước; xem xét về đề xuất cho phép tàu Mỹ cập cảng Đài Loan và tập trận chung với Mỹ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực ngày càng lớn lên Đài Loan, sự bảo đảm an ninh của Mỹ trở thành động lực nâng cao tinh thần của người dân Đài Loan trước nguy cơ đối đầu với Trung Quốc.

Thứ ba, nỗ lực thể hiện vai trò tích cực trong việc gìn giữ hòa bình khu vực.

Với vai trò là một bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, tuy vậy Đài Loan gần đây đã thể hiện tiếng nói ủng hộ cho quá trình gìn giữ hòa bình tại khu vực này.

Những ngày đầu năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong cuộc phóng vấn với báo chí cho biết, Hải quân Anh đnag dự định xây căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á. Nhiều đánh giá cho rằng, các địa điểm có thể tiến hành xây dựng là Singapore và Brunei, do đây là 2 nước đang có lực lượng quân đội Anh đóng quân.

Trước sự kiện này, bà Thái Anh Văn đã thể hiện sự hoan nghênh nếu sự hiện diện của Hải quân Anh có ích cho quá trình duy trì hòa bình và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Đồng thời, lãnh đạo Đài Loan cũng bày tỏ nguyện vọng rằng, tất cả các quốc gia hoàn toàn có thể hợp tác với nhau ở Biển Đông trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và tự do đi lại, trong tinh thần "tôn trọng lập trường" mỗi bên.

Sự cởi mở của lãnh đạo Đài Loan trong các vấn đề an ninh khu vực đã tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Nó cũng sẽ góp phần tạo ra những dấu ấn riêng của Đài Loan đối với cộng đồng quốc tế trong việc đánh giá nghiêm túc và ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo này.

Có thể thấy rằng, mặc dù đứng trước nhiều sức ép từ bên trong và bên ngoài, Chính quyền Đài Loan đã có những ứng biến linh hoạt nhằm lấy lại sự ủng hộ và đoàn kết nội bộ, đồng thời cũng thể hiện được tiếng nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, Đài Loan cần chủ động hơn nữa để tránh khả năng trở thành "quân bài mặc cả" trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.