Lối thoát nạn thứ 2 trong mỗi căn nhà, là sự sống còn khi có hỏa hoạn xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Nhằm hạn chế tối đa cháy và phòng cháy hiệu quả, UBND quận Hoàn Kiếm và Công an quận đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, xác định trọng tâm công tác tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã được quận Hoàn Kiếm thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua”- Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.
Trang bị phương tiện tại gia đình là biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa và hạn chế cháy lan, cháy lớn và kịp thời xử lý khi có cháy xảy ra

Trang bị phương tiện tại gia đình là biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa và hạn chế cháy lan, cháy lớn và kịp thời xử lý khi có cháy xảy ra

Giải pháp an toàn phòng chống cháy, nổ

Với đặc thù của quận Hoàn Kiếm có nhiều phổ nhỏ, thường diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt có những khu nhà cũ, cổ đã xuống cấp, tiềm ẩn phức tạp về cháy, nổ.

Diện tích nhỏ, mật độ dân cư đông, cơ sở hạ tầng còn hạn chế với 38/166 tuyến phố và hơn 800 ngõ nhỏ, xe chữa cháy không tiếp cận được.

Trong khi đó, địa bàn tập trung nhiều loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa nhiều hàng hoá thường được xây dựng theo dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát nạn, ban công được cơi nới và quây bằng lồng sắt. Khi xảy ra cháy nếu không kịp thời xử lý dễ gây cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và CATP Hà Nội về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu, đánh giá đặc điểm, tình hình thực tế của địa bàn từng phường, từ đó chủ động tham mưu Quận ủy, UBND quận ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện Kế hoạch liên quan đến an toàn PCCC và CNCH. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra kết hợp tuyên truyền xử lý, chỉ rõ tồn tại, hướng khắc phục và thời gian khắc phục.

Qua đó, lực lượng chức năng phối hợp rà soát, kiểm tra, hướng dẫn đối với 11.811/21.652 nhà ở hộ gia đình, 3421/4905 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, lực lượng Công an quận đã triển khai biên soạn và phát hành 15.232 tờ khuyến cáo an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Công an quận đã chủ động tham mưu UBND quận triển khai các mô hình, giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn gắn liền với phương châm “4 tại chỗ", nổi bật là 2 mô hình PCCC: “Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu” và “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ”.

Các mô hình đã đáp ứng được tình hình PCCC trên địa bàn về 3 nội dung triển khai là tuyên truyền PCCC; lắp đặt các bình chữa cháy và tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân.

Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn thứ 2 trong căn nhà

Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn thứ 2 trong căn nhà

Đến thời điểm hiện tại, CAQ đã trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết (nguồn kinh phí do UBND và xã hội hoá).

Phát huy phương châm “4 tại chỗ”

Trước tình hình cháy, nổ phức tạp tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm chết nhiều người trên địa bàn cả nước; nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, không có lối thoát nạn thứ 2, không trang bị bình chữa cháy, không đáp ứng được chủ trương "4 tại chỗ" dẫn đến khi xảy ra cháy không xử lý kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 26.557 hộ gia đình, trong đó có 2.333 hộ có lắp đặt lồng sắt, chuồng cọp tại ban công.

Công an quận tiếp tục tham mưu UBND quận ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Khu tập thể, nhà đông hộ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” trên địa bàn phường Hàng Bài.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, có 224/224 hộ gia đình đã tạo lối thoát nạn tại vị trí lồng sắt, chuồng cọp; 889/889 hộ dân đã tự trang bị bình chữa cháy (trong đó chỉ có 26 hộ có hoàn cảnh khó khăn được UBND phường Hàng Bài trang cấp miễn phí mỗi hộ 1 bình chữa cháy nhờ sự ủng hộ từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể trên địa bàn phường.

Công an quận đã tổ chức tập huấn cách sử dụng bình chữa cháy đến từng người dân. Qua đợt triển khai trên, đông đảo quần chúng nhân dân đã ý thức được rõ trách nhiệm trong công tác PCCC và thấy việc làm này là rất cần thiết, hữu ích nên rất đồng tình ủng hộ.

Từ hiệu quả mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ” ở địa bàn phường, cho đến nay mô hình đã được nhân rộng ra toàn quận với tiêu chí: “100% hộ dân được kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; 100% hộ dân tạo lối thoát nạn tại các vị trí lắp lồng sắt, chuồng cọp và có phương tiện PCCC phù hợp với gia đình như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn...

Nhờ công tác tuyên truyền, người dân đã thay đổi nhận thức. Qua đó có 1.681/2.333 hộ tự tạo lối thoát nạn tại lồng sắt, chuồng cọp, 11.914/26.557 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, trong đó có 877 bình chữa cháy được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào công tác xã hội hoá PCCC và thông qua UBND 18 phường để trao tặng cho 877 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.

CAQ Hoàn Kiếm phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền phường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức an toàn PCCC tại gia đình và nơi công cộng

CAQ Hoàn Kiếm phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền phường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức an toàn PCCC tại gia đình và nơi công cộng

Để giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Đai tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng CAQ Hoàn Kiếm nêu kinh nghiệm: “Tập trung ưu tiên cho việc đầu tư, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, phủ kín bình chữa cháy đến từng khu dân cư, từng ngõ, từng hộ gia đình. Từ đó hướng đến phương án đưa các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy chở phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào thực tiễn.

Cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng thuận từ đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy được vai trò của các Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố; Cán bộ Đảng viên ở cấp cơ sở phải nêu gương thực hiện trước và vận động mọi người làm theo.

Thực hiện xã hội hoá mạnh mẽ công tác PCCC và CNCH bằng việc thu hút nhiều nguồn đầu tư phương tiện, thiết bị PCCC; khuyến khích và có hình thức hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị PCCC, nhân rộng mô hình xã hội hoá công tác PCCC để từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc phòng chống nguy cơ cháy, nổ.

Ưu tiên việc đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên tuyền, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để truyền tải các nội dung, thông điệp về đảm bảo an toàn PCCC trong đời sống, xã hội.