Lối thoát cay đắng của người nông dân Ấn Độ

ANTĐ - Hết mất mùa, rồi lại đến giá nông sản xuống thấp kỷ lục, trong khi chi phí sản xuất tăng lên…, những điều đó khiến nhiều nông dân trồng bông ở Ấn Độ lâm vào cảnh đường cùng và chọn cách giải thoát tiêu cực: tự sát. 

Lối thoát cay đắng của người nông dân Ấn Độ ảnh 1Bà Urkadabai, ở làng Rajani cùng các con bên di ảnh người chồng đã tự sát

Cuộc khủng hoảng tự sát 

Tại làng Daheli, huyện Yavatmal, tỉnh Maharashtra, Ấn Độ, cậu bé Kanhaiya gào khóc vì đói lả. Cậu bé mới 1 tuổi này không hề biết rằng mình đã mất cha. Mẹ Kanhaiya, chị Yogita Chaudhary gắng gượng  an ủi các con, nhưng ai sẽ an ủi chị đây? 2 ngày trước đó, chồng chị – anh Mahesh, 32 tuổi, được tìm thấy đã chết gần ngôi chùa trong làng.

Mahesh đã uống thuốc độc tự tử để thoát khỏi cảnh mất mùa triền miên và những khoản vay muôn đời không trả hết. Bi kịch gia đình càng nặng thêm khi 8 năm trước, bố anh Mahesh cũng tự sát vì làm ăn thất bát. Cả gia đình anh Mahesh đều trồng bông. “Chồng tôi mắc nợ quá nhiều, vì bế tắc trong nghề trồng bông nên đã tìm tới cái chết”, chị Yogita kể về người chồng quá cố. 

Câu chuyện của gia đình chị Yogita không phải là chuyện hiếm ở vành đai trồng bông phía Tây Ấn Độ. Theo thống kê nhóm Vidarbha Jan Andolan Samiti (VJAS), một nhóm bảo vệ lợi ích của nông dân trồng bông, cứ 8 giờ lại có 1 nông dân trồng bông Ấn Độ tự sát. Khu vực Vidarbha, phía Đông bang Maharashtra, nổi tiếng là “tâm chấn” của cuộc khủng hoảng tự sát. Theo dữ liệu VJAS, khoảng 2.900 nông dân ở khu vực này đã tự sát kể từ năm 2013, tính riêng từ đầu năm tới nay, hơn 500 người đã tự tìm đến cái chết. 

Nguyên nhân những người nông dân tự sát chủ yếu là do họ rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Có năm mưa nhiều, lốc tố phá hoại những cánh đồng bông. Nhưng đặc biệt, năm 2014, người nông dân được mùa bông thì mất giá. Cứ vòng luẩn quẩn đó, nhà nông rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Sức ép nợ nần tiếp tục dẫn tới các vụ tự tử đau lòng. 

Vòng xoáy đói nghèo 

Năm 2014 là năm Ấn Độ có một vụ được mùa bông kỷ lục và cung cấp lượng hàng khổng lồ cho thị trường thế giới. Trong vụ mùa 2013-2014, Ấn Độ sản xuất 9,6 triệu tấn bông và trở thành nước trồng bông lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Thế nhưng tình trạng thừa bông lại đẩy giá tụt xuống thê thảm, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, đặc biệt là ở Vidarbha – nơi hoạt động kinh tế dựa ngày càng nhiều vào cây bông.

Ông Murali Dhidkar kể, vào năm ngoái, giá bông đã giảm mất một nửa, chưa bao giờ thấp đến thế, trong khi chi phí thuốc trừ sâu, phân bón và hạt giống tăng lên. Ông Murali Dhidkar chia sẻ, nhiều người khác cũng gặp tình cảnh khốn cùng như mình nhưng vẫn phải vay vốn để tiếp tục trồng bông. 

Với hơn 50% dân số Ấn Độ hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vốn chiếm 18% tổng GDP của đất nước, nhưng thống kê cho thấy đã có 11.772 nông dân tự sát tại Ấn Độ trong năm 2013. Con số này tương đương 44 người chết mỗi ngày. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa nâng mức hỗ trợ mất mùa và giảm bớt các rào cản để người nông dân tiếp cận dễ hơn với việc vay vốn. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn chưa xoa dịu được những nỗi mất mát của người nông dân.

Như gia cảnh nhà chị Yogita, lúc này chị không ngừng lo lắng về việc sẽ kiếm tiền trả nợ thế nào. “Tôi phải trả nợ cho cả ngân hàng lẫn những cá nhân khác Tôi đã nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền bang sau khi chồng chết. Nhưng số tiền rất nhỏ, chẳng giúp ích gì cho tình cảnh của tôi lúc này”, chị Yogita chia sẻ. 

Theo dữ liệu của các ngân hàng, những người trồng bông trong khu vực Vidarbha vay tới hơn 880 triệu USD từ các ngân hàng. 90% nông dân hiện đang đứng trước nguy cơ không thể trả được nợ. Với nhiều nông dân, cách duy nhất để trả nợ là vay mới. Và khi đã bị ngân hàng từ chối thì nguồn vay duy nhất của họ giờ đây là "sahukar", tức những người cho vay nặng lãi. Lãi suất có nhiều mức khác nhau, nhưng thường ở mức 25%.

Đến kỳ hạn phải trả, họ bị chủ nợ đòi gắt gao và kèm theo đó là những lời đe dọa. Từ đó, nông dân sẽ vẫn tiếp tục lệ thuộc vào những người cho vay nặng lãi và họ dễ gặp nguy hiểm. Cũng bởi lẽ đó nên hàng nghìn người nông dân trồng bông ở Ấn Độ đang coi cái chết như một sự giải thoát duy nhất.