Lời thề phía sau lằn ranh sinh tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vài ngày sau khi 50 phút phim tài liệu “Ranh giới” lên sóng, dư âm của những thước phim chân thực đến gai người này vẫn khiến người ta cảm thấy thổn thức và xúc động. Bộ phim tài liệu hiếm hoi ra đời ngay giữa bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành đã thức tỉnh nhiều người không chỉ về ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa cuộc sống bình thường và chiếc giường dịch bệnh, mà còn nhắc người ta về sự hy sinh thầm lặng và lớn lao của những “chiến binh” áo trắng đang ngày đêm vắt sức mình chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch.

Trong 12 điều của lời thề y đức Hippocrates có một câu thế này: “Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân”. Kể từ sau chiến tranh cho tới bây giờ, điều ấy vẫn hiện hữu rõ rệt ở những người làm nghề y qua mỗi lần dịch bệnh xuất hiện. Lần này, ứng phó với đại dịch Covid-19, họ - những y bác sĩ, cán bộ y tế một lần nữa “ra trận” với tinh thần của những chiến binh, song không phải ai cũng thấu hiểu những gì các chiến binh ấy đã, đang phải trải qua và chịu đựng. Như câu nói mở đầu của một nữ bác sĩ trẻ trong bộ phim tài liệu “Ranh giới”: “Đã có lúc tôi nghĩ đây là ranh giới của sự chịu đựng”. Để rồi xuyên suốt 50 phút phim, người ta mới hiểu được phần nào sự chịu đựng mà vị bác sĩ này trải lòng.

Trước khi “Ranh giới” lên sóng, người ta vẫn nói cho nhau nghe về sự nguy hiểm của dịch Covid-19, về những vất vả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, nhưng tất cả vẫn dừng lại ở sự mường tượng, hình dung và những con số cứ liên tiếp nhảy từ ngày này sang ngày khác. Ngoại trừ những người không may mắc Covid-19, thì chẳng ai có thể hiểu rõ bên trong cánh cổng bệnh viện kia, mọi việc đang diễn ra như thế nào, cuộc chiến đấu với dịch bệnh cam go ra làm sao. Cho đến khi những thước phim tài liệu mà đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng êkip của VTV thực hiện lên sóng màn ảnh nhỏ. 50 phút phim đã giúp người ta có thể nhìn thấy một phần khốc liệt, dù nhỏ, của cuộc chiến chống dịch bệnh, nơi mà những hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế là không gì có thể đong đếm được.

Có rất nhiều cảnh, nhiều phân đoạn trong “Ranh giới” đủ sức khiến người ta phải đưa tay lên ôm ngực, cảm giác sợ đến nghẹn thở và nước mắt ứa ra, như cảnh các sản phụ cố hít ôxy từ máy thở nhưng gần như kiệt sức, thậm chí đã nghĩ đến chuyện xin về nhà để “có chết thì chết ở nhà”. Nhưng cả khi họ có xuôi tay phó mặc sự sống cho số phận thì các y bác sĩ cũng không đầu hàng, vẫn ra sức khuyên nhủ, giải thích đến cùng và làm mọi cách để giành giật họ về từ cửa tử.

Ở hoàn cảnh nào cũng vậy, điều ấy là đương nhiên, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài suốt bao nhiêu tháng qua khiến sức khỏe của chính các y bác sĩ cũng dần rơi vào kiệt quệ, thì việc bươn sức ra để cứu bằng được tính mạng người khác không gì hơn chính là sự hy sinh, không còn là trách nhiệm y đức, mà còn là tình người giữa lúc gian truân. Dĩ nhiên không phải lúc nào cuộc giành giật ấy cũng thành công. Vẫn có những lúc cả kíp buồn rầu cúi đầu đi ra khỏi phòng cấp cứu, ngước mặt lên trên để nước mắt không trào ra ngoài vì đau xót và bất lực.

Một vị bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại một bệnh viện dã chiến ở TP.HCM kể, mỗi ca làm việc của họ ở bệnh viện thường kéo dài gần chục tiếng đồng hồ. Trong suốt khoảng thời gian ấy, vì phải mặc trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân nên họ cố gắng không ăn, nhịn uống nước để đỡ đi vệ sinh nhiều. Bởi lúc tháo bộ trang phục bảo hộ ra là lúc dễ bị lây nhiễm virus nhất. Thế nên, họ thường dồn cả ngày ăn có khi chỉ ăn một bữa. 50 phút phim “Ranh giới” được chắt lọc ra từ ngồn ngồn tư liệu quay còn không kịp lia ống kính vào bữa ăn của họ, nhưng vẫn giúp người xem cảm nhận được phần nào cường độ làm việc không ngơi nghỉ của các chiến binh áo trắng qua hình ảnh thay nhau chợp mắt nghỉ ngơi mà chỉ dám ngủ ngồi, ngủ gật, không có thì giờ để tìm chỗ ngả lưng. Có người mệt quá ngã lăn ra sàn.

Xem “Ranh giới”, có lẽ người ta cũng cảm nhận được những áp lực kinh khủng mà đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế đã và đang phải gồng mình chịu đựng và không hiểu họ làm cách nào để có được sự chịu đựng ấy. Đó không chỉ là sự chịu đựng vất vả, hiểm nguy khi có thể bị lây nhiễm bất cứ khi nào, mà chịu đựng cả những căng thẳng về mặt tâm lý khi từng giây từng phút trôi qua phải cân não để thay người nhà chăm sóc, năn nỉ động viên, thuyết phục, thậm chí dọa dẫm để bệnh nhân chịu hợp tác; khi đứng trước quyết định đau xót là phải bỏ con để cứu mẹ; khi phải nén nước mắt thông báo về sự ra đi của một ai đó với người nhà của họ…Hơn ai hết, họ thấu hiểu sự thiệt thòi của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 là không thể có người nhà ở bên chăm nom, nếu may mắn khỏi bệnh thì ra viện một mình, còn không may thì ra đi cũng không có người thân bên cạnh. Thế nên như lời tâm sự của một bác sĩ trong phim, họ hiểu rõ điều đó nên xem bệnh nhân như người thân của mình. Trong khi đứng ở góc độ khác, có lẽ chính họ cũng đang trăn trở, day dứt vì phải bỏ lại gia đình ở phía sau để đi làm nhiệm vụ chống dịch, không thể chăm sóc những người thân của mình.

Trên mạng xã hội, một cây viết có tiếng chia sẻ câu chuyện, anh có người bạn là bác sĩ quân y đang tăng cường hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM. Sau cả ngày lăn lóc với bệnh nhân, tối về vị bác sĩ này khoe “dân vận” được ít lòng xào dưa để liên hoan với đồng đội. Anh đưa bức ảnh đĩa lòng đựng trong hộp xốp mà vị bác sĩ kia gửi vào một nhóm trò chuyện kín, nhờ mọi người gửi lời chúc tới người bạn bác sĩ của mình cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ. Và rồi đã có hơn 100 lời chúc rất ấm áp được gửi đi. Những người được nhận rất vui. Hồi âm lại, vị bác sĩ quân y nhắn với anh: “cái mình cần nhất bây giờ vẫn là sự động viên của mọi người, sự ủng hộ của gia đình, anh em, bè bạn…”.

Ở phần cuối phim “Ranh giới” thì có đoạn nói về một nữ hộ sinh vừa làm nhiệm vụ tại bệnh viện chưa được bao lâu thì không may nhiễm Covid-19. Cậu con trai của cô cũng bị lây nhiễm và phải vào viện cùng với mẹ. Không còn sợ hãi, cậu bé vừa pha sữa chăm mẹ vừa bình tĩnh hỏi: “chừng nào mình mới được về nhà”. Sự bình tĩnh và tinh thần lạc quan ấy có lẽ đủ sức thay cho ngàn vạn lời động viên tiếp sức dành cho người mẹ. Trong khi đó, điều mà nữ hộ sinh mong mỏi nhất ngoài việc con trai của mình khỏi bệnh được về, còn là bản thân mình khỏe lại để tiếp tục quay trở lại sát cánh cùng đồng nghiệp chống dịch. Tinh thần ấy, sự hy sinh ấy, 50 phút phim tài liệu và nhiều hơn thế nữa chắc chắn không bao giờ có thể nói hết được. Những lời cảm ơn gửi tới các chiến binh áo trắng ấy bao nhiêu cũng là không đủ. Nhưng như lá thư của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi tới êkip thực hiện phim "Ranh giới" thì bộ phim cũng chính là những lời chia sẻ, động viên và cổ vũ lớn lao với đội ngũ thầy thuốc trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.