Lời thề giữ rừng của người A Rem

(ANTĐ) - Người A Rem vẫn xem rừng là bùa hộ mệnh giúp cộng đồng bé nhỏ này vượt qua những giông tố bệnh tật. Rừng đã bảo vệ, che chở, cho họ cuộc sống và mưu sinh. Vì thế bà con A Rem sống trong vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng đã bảo vệ rừng như bảo vệ hũ gạo của mình, họ đã thề “người A Rem còn là rừng còn”.

Lời thề giữ rừng của người A Rem

(ANTĐ) - Người A Rem vẫn xem rừng là bùa hộ mệnh giúp cộng đồng bé nhỏ này vượt qua những giông tố bệnh tật. Rừng đã bảo vệ, che chở, cho họ cuộc sống và mưu sinh. Vì thế bà con A Rem sống trong vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng đã bảo vệ rừng như bảo vệ hũ gạo của mình, họ đã thề “người A Rem còn là rừng còn”.

Một góc bản làng A Rem giữa đại ngàn
 Một góc bản làng A Rem giữa đại ngàn

Giữ rừng như giữ hũ gạo!

‘’Đồng bào Arem giữ rừng như giữ hũ gạo của họ!’’, ông Phan Hồng Thái - Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng nói với chúng tôi. Ông Thái cho rằng đây không chỉ là niềm vui của “chủ rừng’’ kiểm lâm mà còn là sự khẳng định việc hồi sinh của một tộc người có thời đã ở bên vực thẳm tuyệt chủng. 15 năm, khoảng thời gian không phải là dài nhưng đồng bào A Rem trên núi cao ngày nào đã thực sự trở thành ‘’chủ nhân’’ của hàng vạn hécta rừng. Họ đang góp phần bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.

Người A Rem hiện sinh sống trong vùng lõi của di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi mà sự đa dạng sinh học được bộc lộ rõ ràng nhất, ưu tú nhất. Người A Rem ở tại vùng đất này đã tròn 15 năm, sinh cảnh của thiên nhiên điệp trùng rừng núi không những không bị tàn phá, xâm hại mà còn được chăm sóc bảo vệ tốt hơn những gì mà nhà quản lý địa phương mong đợi. Nói như thế để biết rằng, người A Rem quý rừng, yêu rừng từ sâu thẳm trong trái tim. Mặc dù họ chỉ có hai bàn tay trắng nhưng đã bảo vệ được nhiều vạn héc ta rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bảo vệ được cả rừng Bách Xanh núi đá quý hiếm nhất Việt Nam được nguyên vẹn.

Ông Đinh Đu - Chủ tịch xã Tân Trạch (xã duy nhất có hơn 40 hộ gia đình cùng quần tụ bởi một tộc người duy nhất - A Rem), huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Với người A Rem mình, rừng là máu thịt, là thần hộ mệnh giúp bà con vượt qua đói khát, bệnh tật. Những năm thất bát mùa màng, rừng cho bà con mình cái ăn, mỗi lần dịch bệnh, rừng đã cho dân mình cây thuốc chữa bệnh nên dân làng A Rem mới qua được đói, vượt được bệnh. Người A Rem xem rừng là báu vật. Mỗi năm làng cúng thần rừng một lần. Vì rừng còn là người A Rem còn. Người A Rem còn thì rừng còn”.

Người A Rem trước kia khi sống trong hang đá, thức ăn chủ yếu là săn bắt, hái lượm, tộc người này không biết dệt vải nên áo quần thường đóng khố từ những vỏ cây. Đối với họ, để cải thiện bữa ăn, thịt thú rừng được chia kế hoạch săn bắn rất tỉ mỉ, nửa năm đầu cả cộng đồng chỉ bắt vài ba con khỉ, nửa năm cuối là thịt heo rừng không quá 3 con. Lý do được ông Đinh Đu lý giải: “Thần rừng chỉ cho người A Rem như thế thôi. Mỗi năm rừng có cho một ít mật ong nữa là sống đủ”. Người A Rem còn xuống suối mò ốc, bắt cá nhỏ bằng tay, cá lớn họ không có phương tiện đánh bắt nên chúng phát triển nhiều.

Chính vì thế mà vào năm 1992, lần đầu người A rem ra khỏi hang đá, chưa biết trồng trọt, chăn nuôi, nhưng BQL Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn giao cho 40 hộ dân của tộc người này bảo vệ 1.000ha xung yếu nhất của di sản. Ông Phan Hồng Thái chắc chắn: “Rừng của người A Rem “làm chủ” không mất một cành cây, ngọn cỏ. Họ không bao giờ chặt cây lấy gỗ, hoặc phát rừng làm rẫy. Không bao giờ làm thuê cho lâm tặc. Thấy lâm tặc lảng vảng đâu đó trong khu di sản là họ cấp báo cho kiểm lâm ngay. 1000ha rừng nguyên sinh đầu tiên giao cho bà con, nay vào đó toàn những cây thân gỗ cao vút, vòng đo 2 hoặc 3 người ôm”.

Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích hơn 120.000ha, một tài sản lớn, quý hiếm của quốc gia. Khi chưa là di sản, đây là nơi lâm tặc tập trung vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Trong vùng đệm của Phong Nha - Kẻ Bàng có trên 30.000 dân của 9 xã sinh sống, không ít nơi vì cái lợi người dân đã quay lưng lại với rừng. Không chỉ bảo vệ rừng, đồng bào A Rem còn làm được một điều có ý nghĩa lớn lao hơn đó là cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng góp phần gìn giữ, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc ở phía tây Quảng Bình.

Tôi băn khoăn với ông Đinh Đu, bảo vệ rừng tốt thế chắc có tiền công, ông Đinh Đu nhẩm tính: “Mỗi hécta rừng, ta được Nhà nước tặng 50.000 đồng cho một năm bảo vệ. Tất cả quy ra gạo nhằm tránh việc người dân lấy tiền đổi rượu”. Thù lao bảo vệ rừng như thế là thấp nhưng người A Rem vẫn vui lòng.

Gần 2 thập niên hội nhập

Năm 1992, Bộ đội Biên phòng Cà Roòng phát hiện 98 người A Rem sống trong các cụm hang Tho Đủa, Hung Va, Bồng Cù. Lúc đó gặp người lạ họ ù té chạy, bộ đội biên phòng đã cùng ăn, cùng ở, san sẻ niềm vui nỗi buồn với bà con để động viên đồng bào về định canh, định cư tại Km39 trên đường 20 Quyết Thắng. Lúc đó trong số họ hầu hết đều mắc bệnh sốt rét, 40% bị bướu cổ. Trận dịch năm 1991 đã cướp đi sinh mạng 20 người. Riêng thời điểm năm 1995, chỉ có 4 đứa trẻ ra đời và 2 bà mẹ mang thai nhưng 2 năm 1994, 1995 đã có 9 người chết. Rời hang đá, người A Rem không có cơm ăn, áo mặc, mọi mối liên hệ với bên ngoài hoàn toàn là con số không. Cuộc sống mới đối với họ quá xa lạ, vậy nên họ hoàn toàn ngơ ngác trước các vật dụng như giường, chiếu, chăn màn, hoặc đơn giản nhất là cái ca uống nước không biết làm sao để sử dụng. Nhưng bằng tình thương yêu, các chiến sĩ biên phòng, cán bộ miền xuôi có mặt giúp đỡ đồng bào A Rem. Ngay trong năm 1992, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Dự án Bảo tồn và phát triển tộc người A Rem đã gấp rút triển khai. Thành phố Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào 42 căn nhà sàn khang trang, ấm cúng vào năm 2003. Từ đó đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ hơn 3 tỷ đồng cho tộc người anh em A Rem. Chính vì lẽ đó mà theo năm tháng, đồng bào A Rem được làm quen với cuộc sống mới; Nay người A rem đã đọc được chữ Quốc ngữ, có y tá thôn bản, biết nấu chín đun sôi…

Người A Rem rời bỏ cuộc sống hoang dã, hái lượm đã phải học tập với những xuất phát bập bẹ ban đầu. Đồng bào tập cầm cuốc, cầm dao, tập trồng cái cây, nuôi con lợn, con gà và phải “tập sống’’ trong những ngôi nhà sàn cao ráo và ấm áp. Có lúc sức hấp dẫn của hoang dã tái bùng cháy đã đưa chân không ít đồng bào A Rem bỏ bản, bỏ làng quay trở lại với hang đá. Nhưng cái cách sống con người văn minh vẫn có sức lôi cuốn đồng bào đến kỳ lạ, người ta vào hang rồi lại theo cán bộ ra lại căn nhà đẹp. Bởi bát cơm tấm áo của cán bộ miền xuôi gửi tặng bao giờ cũng ấm áp hơn trong những đêm băng giá dưới vòm đá lạnh cóng. Đồng bào hiểu cuộc sống phải vất vả học tập nhưng ở đó có ánh sáng cho sự đổi đời.

Anh Linh