Lỗi tại người lớn?

ANTĐ - Chiều tối 17-10, HLV trưởng U21 quốc gia Báo Thanh niên, Đinh Văn Dũng khẳng định việc Văn Công, Văn Thuận mặc áo đội tuyển, trốn đội đi vũ trường đêm 16-10 là không thể chấp nhận được và phải kỷ luật nặng. Án phạt dự kiến cũng được ông Dũng tiết lộ là “cấm thi đấu đến hết giải”.

Thế nhưng chỉ vài giờ sau, chính ông Dũng thông tin cho báo chí biết cuộc họp xử lý vụ việc kết thúc với việc 2 tuyển thủ trên chỉ phải nhận mức khiển trách (không cấm thi đấu, không treo giò trận nào)! Lý do HLV trưởng tuyển U21 đưa ra là “các em đã thành khẩn nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm”.

Liệu các tuyển thủ này đã thực sự ăn năn, hối lỗi? Theo lời một nhân chứng kể lại thì ở vũ trường đêm hôm đó, Văn Công và Văn Thuận đã uống rượu đắt tiền, hút thuốc và sau 12h khuya mới bắt xe về khách sạn nhưng trong mọi phát ngôn lẫn tường trình, 2 tuyển thủ này đều khẳng định rằng mình về trước 22h30 và không uống rượu!?

Đa số người được hỏi đều không đồng tình với mức phạt của BHL đội tuyển, bởi việc một tuyển thủ mặc áo đội tuyển đến vũ trường uống rượu đã không thể chấp nhận được, huống hồ lại trốn đi chơi trong lúc cùng đội tuyển làm nghĩa vụ quốc gia tại một giải quốc tế, cần phải phạt nặng để răn đe.

Chuyên gia Trần Văn Phúc thì cho rằng không thể cho rằng 2 tuyển  thủ còn trẻ để biện minh cho hành động vô kỷ luật đó, bởi ở tuổi 21, cả Văn Công và Văn Thuận đủ lớn để tự ý thức được hậu quả và phải chịu trách nhiệm những việc mình làm. Cách làm “giơ cao đánh khẽ” của người lớn không chỉ làm hại 2 tuyển thủ này, mà còn nêu gương xấu cho các cầu thủ trẻ khác.

Theo ông Trần Văn Phúc, ở các nền bóng đá phát triển những vi phạm dù rất nhỏ của cầu thủ đều phải chịu mức phạt nghiêm khắc. Còn ở ta thì ngay cả hành động coi thường kỷ luật, coi thường danh dự đội tuyển, coi thường người hâm mộ cũng chỉ cần “nhận khuyết điểm” và “hứa rút kinh nghiệm”, là được cho qua. Hình như cách “nhận khuyết điểm” và “hứa rút kinh nghiệm” của 2 cầu thủ trẻ học được từ người lớn.