Lời phê phán đáng quý hơn sự im lặng

ANTĐ - Kim Khôi là một trong số không ít tác giả sân khấu trẻ đang vật lộn để sống với nghề. Năm 2010, Khôi là tác giả trẻ nhất với tác phẩm “Vùng tối” tham dự Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân”. Nửa thập kỷ sau, anh vẫn là tác giả trẻ nhất khi tham gia Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 và Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” với “Bông hồng vàng”  do Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) dàn dựng. PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả trẻ này.
Lời phê phán đáng quý hơn sự im lặng ảnh 1

Vở kịch  nói “Cây bàng vuông” của tác giả Trần Kim Khôi 

Học đạo diễn để trở thành... tác giả kịch bản

- PV: Học đạo diễn sân khấu mà cuối cùng lại trở thành một tác giả kịch bản sân khấu. Điều gì khiến anh xoay vần vậy?

- Tác giả Trần Kim Khôi: Ít ai biết rằng, ngay từ đầu, tôi xác định học đạo diễn với mục đích chính là trở thành… tác giả kịch bản. Đơn giản vì tôi muốn kịch bản mình viết ra phải được lên sân khấu, vì thế kiến thức, kỹ năng của một đạo diễn sẽ giúp giảm thiểu được những dư thừa mà một người chỉ học biên kịch thường mắc phải. Với cái đầu của một đạo diễn sân khấu, khi viết, tôi đã “dàn dựng” vở kịch của mình trên giấy thật kỹ lưỡng với mong muốn khi đưa lên sàn tập, đạo diễn không phải mất nhiều công chỉnh sửa câu chữ nữa.  

- Một tác giả trẻ có kịch bản được lọt vào tầm ngắm của các bậc tiền bối trong những sự kiện lớn của sân khấu, liệu có sự ưu ái nào không?

- Dịp đó, Thành ủy TP.HCM muốn dựng những tác phẩm phù hợp để kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội Sân khấu TP.HCM chọn hai vở kịch là “Dấu xưa” của tác giả Nguyễn Thanh Bình và “Cây bàng vuông” do tôi viết kịch bản. Tôi là một tác giả trẻ, không ai biết mặt, biết tên. Tôi không có gì, ngoài  tình yêu biển đảo và cây bút.  Nhưng khi đã hoàn thành kịch bản và được Thành ủy TP.HCM đầu tư dàn dựng cho ngày lễ lớn, tôi thấy đây là niềm vinh dự vô cùng lớn lao.

- Trong tình hình sân khấu hiện nay, người trẻ rất khó có cơ hội vùng vẫy, điều này càng khó khăn gấp bội với một tác giả trẻ hoạt động độc lập. Khôi đã làm thế nào để vượt qua thử thách này?

- Lúc đầu, tôi bị ảnh hưởng bởi tính kinh viện. Và dần dà, tôi cảm giác mình quá bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn ấy, thấy mình trở nên nhàm  và rồi tôi quyết định quên cái tiêu chuẩn kia đi, và viết theo cách của mình. Tôi cũng tham gia vào Chi hội tác giả tại Hội Sân khấu TP.HCM,  và đây thực sự là môi trường tốt để tôi thẩm thấu và lớn  lên.  Ở đây, tất cả tác giả đều chan hòa, yêu thương nhau. Mọi người không quan tâm đến việc bạn là ai,  già hay trẻ, chỉ cần kịch bản tốt và phù hợp, bạn sẽ được gọi đến. Cách thức làm việc này khiến tôi rất tự tin khi cầm bút. 

Niềm tin ở những “đứa con tinh thần”

- Vậy, tất cả kịch bản do Khôi viết đều được đưa lên sân khấu?

- Tôi sáng tác từ năm 2004, bắt đầu bằng những tiểu phẩm. Năm 2009, tôi viết kịch dài đầu tiên “Bạn thằng Bờm”, sau này mới được dựng. Tính đến nay, tôi đã viết được 13 kịch bản, 7 đã được đưa lên sàn diễn, 2 hoặc 3 kịch bản đang được các đoàn ngấp nghé. Tôi có một niềm tin là những kịch bản của mình sẽ được dàn dựng hết, vấn đề là khi nào thôi.

- Có thể gọi Khôi là một tác giả tài năng?

- Lĩnh vực kịch bản sân khấu thì không có thần đồng. Bạn phải học và biết rất nhiều kỹ thuật. Và bạn cũng phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng trước những lời phê phán. Kịch bản tôi viết ra cũng bị chê tơi bời, tôi nghe nhiều thành quen, giờ thấy điều này là đương nhiên và rất tốt cho việc sáng tác của mình. 

- Kịch bản “Bông hồng vàng” của Khôi vừa hoàn thành đã đi dự Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc và Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân”. Điều này có làm Khôi tự hào?

- Kịch bản “Bông hồng vàng”, tôi viết theo đơn đặt hàng khi các thầy trong Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM muốn dựng một vở diễn đi dự thi với danh nghĩa Nhà hát Thế giới Trẻ. Tôi lên ý tưởng, viết, và khi đem đi dự trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì có chỉnh sửa. Tôi thấy đề tài này khó và thực chất chưa thỏa mãn lắm, nhưng thôi, cái chính là mình được làm nghề và duy trì niềm hứng khởi…

- Là một tác giả trẻ, bạn có điều gì muốn nói với những người làm nghề?

- Tôi mong muốn các Nhà hát công lập hãy đọc và dành thời gian, sự quan tâm nhiều hơn nữa cho những tác phẩm của các tác giả trẻ. Đôi khi, một lời nhận xét, động viên của những người làm trong Hội đồng nghệ thuật (dù tác phẩm không được dàn dựng) cũng là động lực để tác giả trẻ tiếp tục chỉnh sửa và nâng cao đứa con tinh thần của mình. Sự chia sẻ đó, dẫu là những lời phê phán nặng nề đi nữa, cũng sẽ đáng quý hơn sự im lặng rất nhiều.