Tường thuật cuộc phỏng vấn gây chấn động cả thế giới giữa huyền thoại Lance Armstrong và Nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey

Lời nói dối lặp lại nhiều lần của Armstrong

ANTĐ - Lance Armstrong - huyền thoại đua xe đạp nhưng cũng được coi là  VĐV dùng doping tinh vi, chuyên nghiệp và thành công nhất trong lịch sử thể thao. Cuộc phỏng vấn giữa cựu huyền thoại đua xe 7 lần giành áo vàng Lance Armstrong và Nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey là cuộc phỏng vấn được dư luận cả thế giới trông đợi  đã lên sóng truyền hình Mỹ vào ngày 18-1 và ngày 19-1. Từ đây sự thật về vụ “bê bối doping” chấn động nhất trong lịch sử đua xe đạp thế giới được hé lộ qua lời chính người trong cuộc.

Cuộc phỏng vấn diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Olympic Quốc tế ngày 17-1 vừa tước thêm 1 HCĐ của cựu huyền thoại đua xe đạp từ Olympic Sydney 2000. 9 giờ 02 phút, chương trình bắt đầu với hàng loạt những clips ghi nhận những lời phủ nhận không dùng doping của Armstrong trong rất nhiều sự kiện trong năm 2012. 9 giờ 04 phút, câu hỏi đầu tiên được bắt đầu:

Phần 1: Đối với tôi, cocktail là doping

Oprah Winfrey: Anh Armstrong, anh cam kết sẽ trả lời cởi mở trong cuộc phỏng vấn này chứ?

Armstrong: Tôi đã tự đưa ra các quyết định. Đó là sai lầm của tôi và hôm nay tôi ngồi đây để xác nhận nó và nói lời xin lỗi. Mọi việc đúng như mọi người đã thấy. Trường hợp này là một lời nói dối mà tôi đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Tôi là một nhân vật không hoàn hảo. Tôi là người phải nhận tất cả mọi tội lỗi và lời trách móc.

Sau đó, cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng những câu hỏi trả lời nhanh: “Có” hay “không”.

- Anh có dùng các chất cấm? 

- Có.

- Đó có phải chất EPO? (EPO: viết tên của Erythropoietin - một dược chất tăng cường tuần hoàn máu và kích thích vận động cơ bắp, thuộc danh mục bị cấm trong thi đấu thể thao - PV).

- Có.

- Chất đó có gây kích thích? 

- Có.

- Anh có dùng thuốc tăng cường hormone?

- Có. 

- Trong cả 7 lần giành áo vàng anh đều dùng doping? 

- Có.

- Khi anh liên tục giành các danh hiệu Tour de France, anh phải liên tục dùng chất kích thích để đạt được điều này?

- Vâng, đúng là như vậy. Tôi đã đánh mất lí trí trước hào quang của chiến thắng và sự tung hô của báo chí. Đã có khoảng thời gian tôi nghĩ rằng, doping là một phần của chiến thắng.

- Anh bắt đầu dùng các chất kích thích từ khi nào?

- Giữa những năm 1990.

- Lý do tại sao anh lại sử dụng chất cấm?  

- Để chiến thắng, tôi bất chấp tất cả. Khi nhận chẩn đoán mình bị ung thư, tôi đã làm mọi thứ để có thể sống sót. Tương tự, tôi muốn chiến thắng ở môn xe đạp bằng mọi giá.

- Anh suy nghĩ thế nào về việc gian lận bằng doping?

- Đối với tôi, cocktail là doping, EPO và testosterone.

- Anh là một “nhân vật hoàn hảo”?

- Câu chuyện này đã từng thật quá hoàn hảo trong suốt một thời gian dài: bạn vượt qua bệnh ung thư, bạn vô địch Tour de France bảy lần, bạn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với những đứa con ngoan. Tôi lạc lối trong tất cả những điều đó. Tôi là một kẻ ngạo mạn trong nhiều năm. Tôi quá quen với việc kiểm soát mọi thứ… Nhưng nó không phải sự thật. Sự thật không phải thứ vinh quang mà mọi người đã thấy, không phải như những gì tôi nói.

- Tại sao lúc trước anh đã phủ nhận tất cả mọi hành vi, còn bây giờ lại thú nhận?

- Đây là câu hỏi rất hay và tôi không thể nghĩ ra câu trả lời tốt nhất cho vấn đề này. Do đã quá trễ để thừa nhận lỗi lầm nên tôi xem tình huống này là một lời nói dối nghiêm trọng mà tôi đã lặp lại rất nhiều lần.

- Anh nghĩ thế nào về sự dối trá suốt thời gian dài qua?

- Tôi coi đây như một sự dối trá lớn trong đời mình và tôi sẽ hối hận trong suốt quãng đời còn lại.

Oprah đọc báo cáo của Cơ quan Chống doping của Hoa Kỳ (USADA) về “đường dây doping tinh vi nhất trong lịch sử thể thao”. Armstrong phản bác: Đây không phải vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử.

- Phải chăng có người đã ép buộc anh sử dụng doping trong các cuộc thi đấu?

- Không. Dùng doping hay không là quyết định của mỗi người.

- Khi nào thì anh chấm dứt không còn dùng doping nữa?

- Sau năm 2005.

- Khi còn là thành viên của đội đua Bưu điện Mỹ, anh có vai trò như thế nào?

- Tôi là tay đua đứng đầu và có thể đuổi bất cứ ai ra khỏi đội.

- Vậy anh là kẻ bắt nạt? 

- Đúng vậy, tôi đã từng làm thế.

Sau thời gian giải lao, Oprah tiếp tục đặt câu hỏi:

- Anh có đòi hỏi các đồng đội phải dùng doping để đạt được mục đích của mình?

- Hoàn toàn không. Tôi là Đội trưởng và Đội trưởng luôn làm gương và tôi không đưa ra bất kỳ hướng dẫn trực tiếp phải làm cái gì, phải làm ra sao.

- Vào thời điểm dùng doping, anh có cảm thấy tội lỗi hay gian lận?

- Gian lận nghĩa là tìm cách giành một lợi thế nào đó nhưng tôi không cảm thấy như vậy. Doping là một phần của môn thể thao này, giống như bơm bánh xe hay chăm nước vào bình. Tôi thấy nó rất đơn giản. 

- Liệu có phải việc anh hiến xác cho Liên đoàn xe đạp quốc tế để họ nghiên cứu về doping chính là để họ lờ đi tất cả các xét nghiệm dương tính của anh?

 - Hoàn toàn không phải vậy. Đó là câu chuyện không có thật. Dù tôi từng tặng tiền cho UCI nhưng không phải là đưa hối lộ để được bao che.

- Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn chương trình “60 Minutes” của Kênh CBS, Tyler Hamilton, đồng đội cũ của anh, ngoài việc thừa nhận rằng mình đã sử dụng doping còn tiết lộ các thành viên trong đội trong đó có anh đã dùng thuốc trong các xe tải hoặc lều tại các cuộc thi. Thậm chí, Hamilton còn nói rằng đã trực tiếp chứng kiến anh tiêm EPO, nhìn thấy EPO trong tủ của anh. Và Floyd Landis - nhà vô địch đua xe thế giới năm 2006 đã bị cấm thi đấu sau khi kết quả xét nghiệm dương tính với doping, sau đó đã lên tiếng cáo buộc anh gian lận. Đây có phải là sự thật?

- Tôi luôn ủng hộ Hamilton và Landis. 

- Anh đã từng phản ứng rất gay gắt trước lời cáo buộc của vợ một đồng đội cũ - cô Betsy Andreu khi cô ấy khẳng định năm 2005 có nghe thấy anh thừa nhận sử dụng doping trong bệnh viện năm 1996. Liệu Betsy có nói dối vào thời điểm đó?

- Tôi thừa nhận có gọi điện có Betsy.

- Anh nghĩ gì về những lời cáo buộc của Tòa án đối với bác sĩ người Italia Michele Ferrari? (Michele Ferrari, vị bác sĩ liên quan đến bê bối doping, cũng là người trực tiếp “chăm sóc” Armstrong trong suốt quá trình anh ta thi đấu. Ferrari từng bị USADA cấm hành nghề suốt đời và liên tục hầu tòa vì những cáo buộc cung cấp chất kích thích cho các VĐV và thậm chí còn có quan hệ với cả mafia - PV). 

- Thật khó để nói về những cáo buộc này. Tôi đã xem Michele Ferrari như một người bạn tốt và một người đàn ông thông minh.

Một cách điềm tĩnh, Armstrong trả lời tất cả câu hỏi được đưa ra một cách nhanh chóng và gọn nhẹ. Oprah từng chia sẻ rằng cô bất ngờ khi nghe lời thú tội từ Armstrong nhưng người hâm mộ và khán giả theo dõi truyền hình cũng ngạc nhiên không kém khi chứng kiến hình ảnh không chút buồn bã hay chán nản của Armstrong trên màn hình. Trong suốt buổi phỏng vấn, chỉ một lần từ xin lỗi được anh nói ra và đó cũng chính là câu nói xúc động nhất trong 90 phút trò chuyện. “Tôi sẽ dành thời gian còn lại của đời mình để cố gắng lấy lại niềm tin từ người hâm mộ và xin lỗi tới mọi người”.

Sau khi phần 1 của cuộc phỏng vấn được phát sóng, vợ của Betsy Andreu cũng tố cáo Armstrong: “Tôi đã dõi mắt lên màn hình chờ đợi Armstrong thú nhận sự thật nhưng tôi thất vọng vì điều đó đã không xảy ra. Anh ấy vẫn còn bao che cho những người thân cận với mình. Bệnh viện là nơi bắt đầu mọi thứ khi tôi từng nghe Armstrong lấy doping từ bác sĩ điều trị ung thư cho mình. Tuy nhiên, anh ấy không hề nói đến điều đó và tiếp tục lừa dối...”.

Phần 2 (ngày 19-1): “Tôi xấu hổ và nhục nhã”

Trong phần 2 của cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey, Lances Armstrong kể lại những thời điểm xấu hổ và nhục nhã,  đồng thời xin lỗi các bệnh nhân ung thư. “Tôi  đáng bị trừng phạt, tuy vậy, tôi cũng không chắc mình có đáng phải nhận cái chết hay không?”. 

- Sau khi bản báo cáo của USADA công bố, một loạt nhà tài trợ gắn bó lâu năm với anh đột ngột cắt bỏ hợp đồng, tâm trạng hiện giờ của anh ra sao?

- Tôi đã mất toàn bộ thu nhập tương lai. Tôi không muốn nghĩ  về điều đó nhưng con số đấy là 75 triệu USD trong một ngày. Tất cả biến mất và  có lẽ là không bao giờ trở lại.

- Vậy khoảnh khắc tồi tệ nhất với anh là?

- Là tôi buộc phải rút khỏi Quỹ từ thiện Lance Armstrong Foundation, do tôi chính lập nên. Quỹ Livestrong giống như đứa con thứ 6 của tôi và để đi đến quyết định đấy, tôi cảm thấy thật khổ sở.

- Anh thấy mình đang có lỗi các bệnh nhân ung thư?

- Tôi xin lỗi. Tôi không nói rằng tôi bị buộc phải ra đi nhưng tôi hiểu được sức ép. Đó là việc làm cần thiết cho quỹ nhưng với bản thân tôi thì đấy giống như địa ngục.

- Anh có cảm thấy xấu hổ hay không?

- Dĩ nhiên tôi cảm thấy như vậy. Đây là điều tồi tệ nhất.

- Liệu anh có tin phán quyết của USADA sẽ được rút lại?

- Về mặt cá nhân, tôi hy vọng vậy. Nhưng thực thế thì tôi không nghĩ họ sẽ làm vậy. Tôi phải chấp nhận điều đó.

- Có ai tin toàn bộ sự thật này không?

- Có. (nhưng không nêu rõ tên)

- USADA cáo buộc anh trở lại thi đấu vào năm 2009 và 2010 và vẫn gian lận dùng doping. Sự thật có phải vậy?

- Không phải vậy. Lần cuối cùng, tôi dùng doping là trong chiến thắng tại Tour de France năm 2005.

- Việc anh bị cấm thi đấu suốt đời là có  công bằng?

- Tôi không thể  nói dối nữa. Tôi muốn được thi đấu trở lại nhưng đây cũng không phải là lý do tôi thú  nhận với tất cả. Tôi ước gì mình có thể  hợp tác với USADA trong cuộc điều tra này bởi như thế, tôi sẽ chỉ nhận một án phạt nhẹ hơn.

- Người thân của anh có biết sự thật đang diễn ra với anh không?

- Mẹ tôi hoàn toàn tan nát, nhưng cố gắng thể hiện ra ngoài ít cảm xúc. Những đứa con còn nhỏ chưa biết gì về sóng gió trong cuộc đời bố. Tôi đã thú nhận tất cả với con cậu con trai lớn 13 tuổi và nói: “Con đừng bảo vệ bố nữa. Đó là sự thật”. 

- Anh đang nói ra sự thật là vì các con của mình?

- Đúng vậy. Chúng sẽ có cuộc sống riêng sau này. Tôi không muốn chúng có liên quan đến những việc sai trái tôi đã làm.

Armstrong thừa nhận hành động đưa tấm ảnh chụp với 7 chiếc áo vàng ở nhà riêng tại Austin sau khi UCI tước toàn bộ  danh hiệu vô địch và hủy bỏ kết quả  thi đấu của anh là sai. Đồng thời khẳng định những gì anh cảm thấy về vụ nói dối đi vào lịch sử thể thao này là kinh khủng và đau đớn, nhưng không bằng những gì anh trải qua khi còn bị ung thư.