Lợi nhuận và trách nhiệm

ANTĐ - Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, cho cộng đồng và toàn xã hội. Điều đó không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cho cả sự phát triển chung của xã hội. Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội đối với bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế.     (Xem tiếp trang 4)

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố thống kê cho thấy, chỉ có 36% doanh nghiệp có bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong 2 năm 2011-2012, chỉ có 28% số doanh nghiệp chấp hành bảo vệ môi trường, 5% có đóng góp cho chăm sóc y tế. Hiện có tới 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc đảm bảo môi trường lao động, phúc lợi cho người lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động, nhiều doanh nghiệp lơ là, không quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đây là nguyên nhân chính khiến tai nạn lao động hàng năm gia tăng cả số vụ và số người chết. Năm 2012 trên cả nước đã xảy ra 6.777 vụ tai nạn làm 6.967 người bị nạn. Chỉ riêng hơn nửa năm 2013 đã xảy ra 3.322 vụ tai nạn làm 3.430 người bị nạn. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn chết người tăng 19% và số người chết tăng 15,8%. Do nhận thức, hiểu biết yếu kém, các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hình thức, hời hợt. Trách nhiệm xã hội không đơn giản là việc một lãnh đạo doanh nghiệp trao một món quà cho một đối tượng, địa chỉ cụ thể ngoài doanh nghiệp. Nói đúng nghĩa, hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội phải được giám sát chặt chẽ như những hoạt động khác của doanh nghiệp. Hoạt động này trở thành công việc đương nhiên, thực chất, tránh “bệnh thành tích”, phong trào, thậm chí đánh đồng với việc làm từ thiện.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo một số công ty, doanh nghiệp lớn khẳng định rằng, thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không phải là “thích thì làm, không thì thôi”. Doanh nghiệp không chỉ đảm bảo trả lương công bằng, dựa trên năng lực người lao động mà còn phải chăm lo tinh thần, văn hóa; phải cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Doanh nghiệp càng có lợi nhuận cao, khả năng sinh lợi lớn thì càng phải có trách nhiệm xã hội cao. Lợi nhuận tăng tỷ lệ thuận với tăng trách nhiệm xã hội, đó là sự phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp.