Lợi nhuận ngành ngân hàng khó cán đích

ANTĐ - Tăng trưởng tín dụng gặp khó, nợ xấu tăng cao, thua lỗ do mua vàng giá cao để cân bằng trạng thái… là những nguyên nhân khiến bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng không mấy sáng sủa.

Sụt giảm mạnh

Trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng, phần sáng thuộc về các ngân hàng lớn. Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) có mức lợi nhuận dẫn đầu hệ thống với hơn 2.711 tỷ đồng trong quý III, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 4.500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 2.054 tỷ đồng, tăng 66,04%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Viecombank) có lợi nhuận trước thuế 9 tháng chưa hợp nhất 4.222 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro là 2.563 tỷ đồng. Tuy nhiên với mục tiêu lợi nhuận là 6.456 tỷ đồng thì ngân hàng này có khả năng không đi đến đích.

Đại diện Vietcombank cho biết, do tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2% năm ngoái lên 3,2% khiến khoản trích dự phòng rủi ro cũng tăng theo. Ngoài ra, việc hạ lãi suất đồng loạt các khoản vay cũ về dưới 15%/năm như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng làm lợi nhuận bị ảnh hưởng mạnh.

       
               

Bình quân các ngân hàng có thể chỉ đạt 30% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra

Một trong những ngân hàng có mức sụt giảm mạnh là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), khi chỉ đạt 1/4 lợi nhuận năm trước tương đương 1.187 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Việc lợi nhuận giảm mạnh tại ACB là do ngân hàng này bị lỗ tới 1.251 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối. Đại diện ngân hàng này cho biết, ngân hàng phải mua vàng trong nước để bù đắp trạng thái trước khi tất toán theo quy định, trong khi giá vàng trong nước cao hơn vàng quốc tế từ 2 đến 3 triệu đồng/lượng tùy thời điểm, đã dẫn đến số lỗ nói trên.

9 tháng đầu năm, ngân hàng này cũng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 577 tỷ đồng, tăng 89,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm âm 0,5%.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) có mức lãi hơn 414 tỷ đồng trong quý III, thấp hơn 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quí đầu năm lợi nhuận trước thuế của Eximbank là 2.417 tỉ đồng, bằng 52,5% chỉ tiêu 4.600 tỷ đồng cả năm 2012. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 2.107 tỉ đồng, tương đương 62% kế hoạch năm…

Đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, lợi nhuận 9 tháng đầu năm còn “bết bát” hơn rất nhiều. Chỉ tiêu lợi nhuận tính tới hết quý III chưa đạt tới 50% do tín dụng thời gian qua gần như không tăng trưởng. Các ngân hàng này cũng rất dè dặt trong việc công bố lợi nhuận. 
Trăm khó đổ dồn

Lợi nhuận sụt giảm mạnh tới từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó khủng hoảng kinh tế khiến các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng được xem là nguyên nhân chính. Tăng trưởng tín dụng đóng góp khoảng 70-75% lợi nhuận cho các ngân hàng, do đó hoạt động cho vay bị đình trệ khiến tăng trưởng tín dụng sụt giảm trên toàn hệ thống.

Các ngân hàng rất khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng để cho vay mới, các khách hàng đang có quan hệ với ngân hàng thì tìm mọi cách để giảm dư nợ, thanh toán các khoản vay trước hạn nhằm giảm sức ép trả lãi dù lãi suất đã giảm khá mạnh. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chỉ đạt 2,2%, đây là mức bình quân còn nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB cho biết việc trích lập dự phòng tăng do tình trạng nợ xấu còn cao cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm. Thêm vào đó, khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến khách hàng gặp khó nên nguồn thu từ các khoản vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, nhìn một cách toàn cảnh thì không lĩnh vực, ngành nghề nào không gặp khó khăn. Do đó khả năng nợ vay của doanh nghiệp cũng sụt giảm. Để gia tăng doanh thu, không còn cách nào khác phải đẩy lãi suất cho vay xuống thấp để tăng tín dụng, nhưng điều này là không thể trong giai đoạn này. Vì vậy việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2012 là điều rất khó.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, bình quân các ngân hàng có thể chỉ đạt 30% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Mặc dù trong quý IV lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện so với quý III, bởi đây là giai đoạn tín dụng thường tăng trưởng mạnh. Nhưng tính chung cả năm, lợi nhuận sẽ thấp hơn so với năm 2011 rất lớn và nhiều ngân hàng sẽ không đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.