- Nợ xấu và giảm lãi suất: Hai thách thức lớn của ngành ngân hàng trong năm 2025
- Chứng khoán tăng gấp đôi lãi suất ngân hàng, vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ nặng?
Nhiều “gam màu” sáng
Kết thúc năm 2024 nhiều ngân hàng cho thấy kết quả kinh doanh đầy tích cực. Chẳng hạn, tính đến ngày 30-11-2024, TPBank đạt hơn 7.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28% so với cuối năm trước. Dự kiến cả năm, lợi nhuận của ngân hàng tăng 34% so với năm ngoái. Sacombank mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý IV và cả năm 2024. Theo đó, lãi trước thuế của Sacombank trong quý IV-2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của nhà băng này và tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay tại HDBank, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt trên 16.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đặt ra. Trước đó, ngân hàng này đã ghi nhận lãi trước thuế đạt 12.655 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều ngân hàng báo lãi tích cực trong năm 2024 |
Lãnh đạo nhóm Big 4 cũng đều đưa ra những con số tương đối sáng sủa với các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng tốt. Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết, dự kiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 8% trong năm 2024, tổng tài sản tăng 7,9%, dư nợ tăng 11% so với năm 2023. Tương tự, lãnh đạo BIDV cho biết, kết thúc năm 2024 BIDV có quy mô tổng tài sản vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%. Vietcombank cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng 13% năm 2024. VietinBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong nhóm Big 4. Theo ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank, tính đến hết tháng 11-2024, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023; tín dụng đến ngày 10-12-2024 tăng 14,8%. Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 8,7%; lũy kế 9 tháng, ngân hàng đã tăng trưởng lợi nhuận 12%.
Nhận định về lợi nhuận các ngân hàng, Công ty chứng khoán MBS Research ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV-2024 của các ngân hàng theo dõi tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty chứng khoán này tin tưởng OCB, TPBank và VPBank sẽ là những nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng hơn cả nhờ nền so sánh thấp của năm ngoái khi chịu tác động bởi trích lập dự phòng cao. Trong đó, OCB dự báo lãi sẽ tăng gấp 3 lần trong quý cuối cùng của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. VietinBank và Techcombank sẽ là 2 ngân hàng có quy mô lớn được kỳ vọng sẽ có mức tăng khả quan hơn so với các ngân hàng cùng quy mô. Cho cả năm, MBS Reseach đưa ra dự báo một số nhà băng tăng trưởng lợi nhuận cao như VPBank tăng 77%, LPBank tăng 57%, HDBank tăng 31%, Techcombank tăng 29%, TPBank tăng 28%, Eximbank tăng 16%...
Thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua |
Còn theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), dự báo lợi nhuận chung toàn ngành sẽ tăng hơn 16%, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa rõ nét. Trong đó, nhóm Big 4 tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức 8 - 15%. Chẳng hạn Vietcombank dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 10%; BIDV tăng 13,8%, VietinBank tăng 12,4%... Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân dự kiến phân hóa với nhóm các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao như LPBank, Techcombank, VPBank, HDBank, Sacombank…; trong khi nhiều ngân hàng vẫn rất khó khăn như PGBank, Saigonbank, ABBank, NCB…
Khó bứt phá trong năm 2025
Dù bức tranh cho năm 2024 tương đối tích cực, song bước sang năm 2025, theo một số dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ vẫn duy trì ổn định, chưa có nhiều đột phá.
Theo các chuyên gia Công ty chứng khoán Á Châu (ACBS) dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024. Con số này được đưa ra trên cơ sở dự báo tổng thu nhập của các ngân hàng tăng trưởng 15,3% với động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao là 15,6%. Trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo chỉ tăng trưởng 8,5% do mảng bán chéo bảo hiểm dự báo tiếp tục khó khăn, chi phí hoạt động được kiểm soát, tăng chậm hơn tổng thu nhập ở mức 10,8%, giúp các ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng sinh lời vững chắc.
Về nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng có thể tăng trưởng chậm lại, theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, trong năm 2025 sức hấp thụ vốn của nền kinh tế dự báo vẫn còn chậm khi thị trường chứng khoán, bất động sản dự báo tiếp tục khó khăn. “Năm 2025, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay do cầu tín dụng chưa thể tăng tốc trở lại. Các kênh đầu tư vẫn sẽ khó khăn, chưa thể gây sức ép với tiền gửi và lãi suất ngân hàng, nhờ đó ngành ngân hàng sẽ hoạt động ổn định” - ông Lê Xuân Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ACBS thì dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 vẫn khá tốt, ở mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (xấp xỉ 10%). Nguyên nhân do nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP của chính phủ ở mức 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%. Đầu tư công được chính phủ quyết tâm đẩy mạnh trong năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng vượt bâc trong giai đoạn 2026-2030. Kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi, qua đó làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng.
Về nợ xấu, các chuyên gia ACBS nhận thấy có một số tín hiệu tích cực cho thấy nợ xấu đã tạo đỉnh và chất lượng tài sản có thể hồi phục trong năm 2025. Theo ACBS, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã suy yếu đáng kể từ sau khủng hoảng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 - 2023. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết vẫn duy trì ở mức cao trong 4 quý liên tiếp và tăng nhẹ 0,04 điểm % trong quý III-2024 lên 2,25%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nợ xấu có thể cải thiện trong năm 2025 với những căn cứ như: Tỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong quý III-2024, thấp hơn trung bình lịch sử là xấp xỉ 0,5%/quý. Trong đó, nợ nhóm 2 (chỉ báo sớm của nợ xấu) giảm 8 điểm cơ bản trong quý III năm nay và duy trì xu hướng giảm 2 quý liên tiếp nhờ sự phục hồi của nhóm khách hàng bán lẻ. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 0,8%. Dư nợ chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi chiếm tỷ trọng khoảng 1,2% và được phép tái cơ cấu theo Thông tư 53/2024 đến hết năm 2025. “Do đó, chúng tôi đánh giá tác động lên nợ xấu của các ngân hàng là không lớn. Số ngày thu lãi bình quân, như đã đề cập, cũng có chuyển biến tích cực cho thấy nợ tiềm ẩn xấu nhìn chung đang được kiểm soát” - chuyên gia của ACBS cho hay.
Nhìn chung, ACBS dự báo rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua. Tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích dự báo giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, chi phí dự phòng dự báo tăng 22,2% so với năm 2024 do bộ đệm dự phòng hiện không còn dày, nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.